Phát huy tinh thần, trách nhiệm nêu gương của đảng viên với tiêu chí “6 dám” để thực hiện tốt kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021

Phát huy tinh thần, trách nhiệm nêu gương của đảng viên với tiêu chí “6 dám” để thực hiện tốt kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021

Vũ Xuân Thu - Phó Chánh Văn phòng Sở

Tại Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã chỉ ra một số khuyết điểm, hạn chế, trong đó, nhấn mạnh một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm.

Do đó, để công tác chỉnh đốn Đảng thực sự có hiệu quả, BCH Trung ương Đảng đã chỉ ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trước thực trạng sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong đó, đề cập 6 quy định, nhằm “tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí gây phản cảm trong xã hội và gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, giản dị, tiết kiệm”

Để thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương, thiết nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cần làm tốt tiêu chí “6 dám” sau đây:

- Thứ nhất, “dám nghĩ”, là một phương thức thay đổi tư duy, là luôn trăn trở, tìm tòi vấn đề mới, giải pháp mới, mô hình mới, cách làm mới gắn với phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, phương pháp điều hành quản lý mới.Những ý tưởng và phương pháp tư duy độc đáo đó sẽ tạo ra cách làm mới, hiệu quả góp phần thay đổi chất lượng. Dám nghĩ là phẩm chất đầu tiên, có tính mở đầu, làm cơ sở, căn cứ cho chuỗi hành vi nối đến kết quả sau này.“Dám nghĩ” là không bằng lòng, không tự mãn với những “cái đang có”, “thành tựu, thành tích” hiện tại. “Dám nghĩ” là sẵn sàng nhìn nhận theo hướng khác, thậm chí ngược lại với những gì đang hiện hữu ở hiện tại.

- Thứ hai, “dám nói” là nói đúng, nói thật, nói thẳng, nói đi đôi với làm, nói ít, làm nhiều. “Dám nói” là “chính danh” của mỗi người cán bộ, đảng viêng. “Dám nói” không đồng nghĩa cho phép bản thân được tự do phát ngôn, nói càn, nói ngược, nói trái. “Dám nói” phải được gắn liền với  nguyên tắc “tự phê bình và phê bình”, “tập trung dân chủ” và được thực hiện với cái tôi trong sáng, trên tinh thần trách nhiệm, kỷ luật.“Dám nói” là mũi tên, phát súng chĩa thẳng vào bộ phận cán bộ, đảng viên không thể hiện quan điểm, lập trường tư tưởng rõ ràng, thiếu chính kiến, “dĩ hòa vi quý”, “gió chiều nào, theo chiều ấy”.

- Thứ ba, “dám làm”, cán bộ, đảng viên mới dám nghĩ, dám nói thì chưa đủ, mà còn phải dám làm; bởi lẽ, hành động mới là sức mạnh vật chất mang lại kết quả cụ thể, làm cho thực tế đời sống thay đổi, xã hội phát triển. “Dám làm” là hành động quyết liệt, khẩn trương, chủ động xông pha, tiên phong dấn thân vào những công việc khó, nhiệm vụ phức tạp, những việc chưa có tiền lệ, chưa có trong quy cách, quy định... nhằm làm chuyển biến tình hình theo chiều hướng tích cực, phát triển, vì lợi ích chung; là dám biến ước mơ, dự định thành hiện thực. “Dám làm” không có nghĩa là làm liều, càng không phải là vi phạm pháp luật, vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng.

- Thứ tư, “Dám chịu trách nhiệm”, hiện nay, xuất hiện một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, thậm chí đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cấp ủy, chính quyền “không dám chịu trách nhiệm” trước việc mình làm, khi mắc sai lầm, khuyết điểm, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, cho cấp dưới cho người làm trực tiếp. Đảng đưa ra quan điểm “dám chịu trách nhiệm” của người cán bộ, đảng viên là nét văn hóa, danh dự, lòng tự trọng của con người nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng. “Dám chịu trách nhiệm” là xuất phát từ “dám nghĩ”, “dám nói”, dám “tự phê bình”

- Thứ năm,“Dám đổi mới sáng tạo” Đổi mới là thay cái cũ (hay làm cho cái cũ) thành cái mới tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Đổi mới là một phương thức phát triển, luôn chứa đựng sự thay đổi - phát triển cả về chất và lượng, cả về nội dung và hình thức, cả về cấu trúc và cơ chế vận hành. Sáng tạo là đưa ra những ý tưởng, sáng kiến ứng dụng vào thực tế mang lại lợi ích cho con người và xã hội. Phẩm chất đổi mới sáng tạo là một chỉnh thể có quan hệ chặt chẽ giữa 2 thành tố: Đổi mới và sáng tạo. Đổi mới phải sáng tạo và sáng tạo hàm chứa đổi mới.Đặc trưng giai đoạn tới của công cuộc đổi mới càng đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo.Đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn là chìa khóa để thực hiện các chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học - công nghệ... mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

- Thứ sáu, “dám đương đầu, dám đột phá”, “Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” là phẩm chất cấu thành bởi bản lĩnh, nghị lực, quyết tâm chính trị và đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, cán bộ, đảng viên của Đảng không chỉ là những người lo trước thiên hạ, mà còn phải khổ trước thiên hạ, còn phải dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của nhân dân

 Quan điểm “6 dám” đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên là “liều thuốc” rất kịp thời, giúp cởi bỏ tâm lý sợ sai của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời là cơ sở để cán bộ, đảng viên vững tâm, vững lòng hơn khi có những đổi mới sáng tạo vì sự phát triển, vì lợi ích sự nghiệp chung của đất nước. Muốn cho đất nước đổi mới theo hướng tích cực rất cần có những cán bộ có những đột phá nắm bắt thời cơ, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, vì lợi ích của Nhân dân.

 

 

 

Liên kết