Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững

Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững diễn ra sáng 13/12, trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung khẳng định hội thảo là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung khẳng định hội thảo là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao…

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành hàng lúa gạo của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại, nhất là trong bối cảnh hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng cộng với biến đổi khí hậu. Thách thức mới đòi hỏi ngành hàng lúa gạo cần có sự thích ứng để nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chí phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.

Trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 đang diễn ra, Hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững” được tổ chức vào sáng 13/12 nhằm tìm ra cách giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong các vấn đề: Sản xuất – Sau thu hoạch chế biến - Chuỗi giá trị lúa gạo - Thị trường, xúc tiến thương mại - Cơ sở hạ tầng và hậu cần phục vụ ngành lúa gạo - Nghiên cứu khoa học và khuyến nông - Thể chế và chính sách.

Dưới đây là một số hình ảnh các đại biểu tham dự buổi hội thảo:

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên trái) tham dự hội thảo.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên trái) tham dự hội thảo.

Anh hùng Lao động, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo (bên phải) tham dự hội thảo.

Anh hùng Lao động, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo (bên phải) tham dự hội thảo.

 

Rất đông các đại biểu quốc tế theo dõi trực tiếp tại hội thảo.

Rất đông các đại biểu quốc tế theo dõi trực tiếp tại hội thảo.

11 giờ 20 phút

 

ong brian

Ông Brian Bean - Giám đốc Dự án Climate Resilience Agriculture in the Mekong Delta (CRM), Winrock – USAID.

Chia sẻ ý kiến tại tọa đàm, ông Brian Bean (Giám đốc Dự án Climate Resilience Agriculture in the Mekong Delta (CRM), Winrock – USAID) kỳ vọng, với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam khi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa, sẽ mang lại thu nhập tốt, cải thiện đời sống người dân.

Giám đốc Dự án CRM khẳng định: Chúng tôi có nhiều kế hoạch, dự án giúp tăng khả năng chống chịu của các công đồng địa phương, tăng cường sinh kế, tăng cường thu nhập của người dân. Trong thời gian 5 năm tới, chúng tôi sẽ làm việc với nhiều đối tác ở địa phương để hỗ trợ cộng đồng địa phương quản lý, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, sinh cảnh, phục hồi các vùng sinh thái của vùng ĐBSCL; tăng cường sản xuất bền vững của ngành hàng bền vững… Có rất nhiều vấn đề để chúng ta hợp tác cùng nhau.

11 giờ 00 phút

 

ong thuan lt

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, khó khăn lớn nhất khi thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo mà Tập đoàn đang gặp phải hiện nay là nguồn tiền để mua lúa khi nông dân vào vụ thu hoạch rộ. Chỉ trong thời gian ngắn doanh nghiệp phải xoay sở để có đủ nguồn tiền rất lớn để mua hết sản lượng lúa trong vùng nguyên liệu liên kết.

Theo ông Thuận, hiện nay mỗi năm Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang thị trường Philippines khoảng 700.000 tấn gạo. Từ đó, ông Thuận đề xuất phía Philippines có thể hợp tác, lập công ty tài chính để cung cấp vốn cho chuỗi liên kết lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời, sau đó nhận lại bằng nguồn gạo nhập khẩu.

Doanh nghiệp là cầu nối trong chuỗi giá trị lúa gạo, nông dân sản xuất và cung cấp lúa nguyên liệu cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chế biến và cung ứng ra thị trường. Muốn tạo thành chuỗi được thì phải tổ chức vùng nguyên liệu, chuyển giao quy trình sản xuất cho nông dân. Cùng nhau chia sẻ lợi ích từ chuỗi lúa gạo cách hợp lý, để nông dân họ đồng hành gắn bó lâu dài. Đảm bảo chất lượng, uy tín thương hiệu để giữ được thị trường đang xuất khẩu ổn định.

10 giờ 50 phút

Liên kết giữa nông dân và nông dân là quan trọng nhất

ong bui ba bong

Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam Bùi Bá Bổng cho rằng, liên kết quan trọng nhất trong chuỗi ngành hàng lúa gạo vẫn phải là giữa nông dân với nông dân.

Trả lời ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt về vai trò của các thành tố trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam, ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam chia sẻ: Theo quan điểm cá nhân tôi, chuỗi ngành hàng lúa gạo luôn là vấn đề phức tạp, đặc biệt là ở Việt Nam chúng ta.

Với diện tích sản xuất lớn, sản lượng lúa gạo xuất khẩu nhiều và hơn 10 triệu hộ nông dân trồng lúa, 300 doanh nghiệp, 20.000 người thu mua lúa… không gian và các thành tố trong chuỗi ngành hàng lúa gạo Việt Nam rất lớn và phức tạp, để hoạt động nhịp nhàng rất khó.

Chuỗi ngành hàng bao giờ cũng có nhiều cấp độ, trong đó cấp độ ngắn nhất, hiệu quả nhất chính là từ người nông dân đến thẳng nhà máy chế biến. Tôi sang Thái Lan và rất dễ bắt gặp hình ảnh người nông dân dùng ô tô chở lúa tươi đến thẳng nhà máy, cân xong thì tiền vào tài khoản. Chỉ vài tiếng sau, số lúa tươi đó đã trở thành sản phẩm lúa gạo có thể xuất khẩu. Đó là chuỗi lúa gạo siêu ngắn.

Ở Việt Nam chúng ta hiện nay cũng đã có một số doanh nghiệp như Lộc Trời, Trung An có thể xây dựng các chuỗi ngành hàng lúa gạo có thể gọi là ngắn. Tuy nhiên chúng ta chưa thể bao phủ ngay cấp độ ngắn này cho 4,3 triệu ha đất lúa được. Cần nhận thức đa dạng, nâng cấp dần dần và phải xác định sự liên kết các tác nhân trong chuỗi liên kết rất quan trọng.

Tôi cho rằng liên kết quan trọng nhất trong chuỗi ngành hàng lúa gạo vẫn phải là giữa nông dân với nông dân. Bởi vì khi người nông dân liên kết được với nhau thì từ đó sẽ liên kết được với doanh nghiệp. 10 triệu nông dân mà ai cũng cá thể thì không thể xây dựng được chuỗi giá trị, liên kết từ nông dân trước rồi liên kết chuỗi khác.

Xuất phát từ quan điểm đó, khi thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã nhận được những nhắn nhủ từ Bộ NN-PTNT, đó là Hiệp hội phải bắt đầu từ người nông dân trồng lúa. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng rất tâm đắc với khẩu hiệu của Hiệp hội là “Khởi đầu từ người trồng lúa”.

"Chúng tôi xác định đó là sứ mệnh của Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Sứ mệnh góp phần nhỏ để chăm lo, liên kết người trồng lúa lại với nhau. Từ đó có thể áp dụng tốt nhất quy trình kỹ thuật, giảm giá thành thấp nhất. Liên kết nông dân và nông dân sau đó mới có thể liên kết thị trường, liên kết doanh nghiệp, giúp bà con có thu nhập cao", Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam nhấn mạnh.

10 giờ 40 phút

Việt Nam có những bước tiến dài trong phát triển lúa gạo

z4969771345508_e9ffe7198afee843bc391ff9f1e88748

Cuộc tọa đàm của các chuyên gia tại Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam.

Phần 2 của Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam là cuộc tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, gồm: PGS. TS. Bùi Bá Bổng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT; TS. Cao Thăng Bình - Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới; TS. Leocadio Sebastian - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines; ông Brian Bean – Giám đốc Dự án Climate Resilience Agriculture in the Mekong Delta (CRM), Winrock - USAID; ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời.

TS. Leocadio Sebastian - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, người có thời gian dài ở Việt Nam và hiểu về nền nông nghiệp Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã có những bước tiến rất dài trong phát triển nông nghiệp.

Ông cho biết: “10 năm trước đến Việt Nam, tôi nói chuyện với Thứ trưởng Lê Quốc Doanh về câu chuyện làm cách nào để phát triển ngành hàng lúa gạo, tăng sức cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam. Đến nay, các bạn đã đi được trên một con đường rất xa với rất nhiều thành tựu. Người nông dân, như tôi nhận thấy họ rất hài lòng về công việc trồng lúa, giá gạo tăng, năng suất, chất lượng tốt. Philippines cũng đang cố gắng thay đổi để phát triển chuỗi sản xuất ngành hàng lúa gạo phù hợp hơn. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lúa gạo, Philippines mỗi năm nhập khẩu khoảng 15 triệu tấn, do đó hai nước có nhiều cơ hội để hợp tác với nhau.

Tôi nhận thấy, nhiều người nông dân cũng không thâm canh lúa gạo hơn nữa mà sẽ chuyển theo hướng sản xuất lúa gạo có chất lượng, giá trị cao và bền vững. Với những thành tựu của nền nông nghiệp phát triển, Việt Nam có nhiều điều kiện để chia sẻ, giúp đỡ các quốc gia khác.

Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia đang định hướng phát triển sản xuất theo hướng xanh, bền vững, và đó là một lộ trình đúng đắn cần thiết. Chúng ta phải thay đổi phương thức sản xuất phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh cụ thể. Ngoài ra, chúng ta cần có sự liên kết, cùng nhau.

10 giờ 30 phút

3 thách thức lớn với ngành hàng lúa gạo

canh dong lon

Ngành hàng lúa gạo trên thế giới hiện phải đối mặt với 3 thách thức lớn (Ảnh minh họa).

Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT Viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI cho biết, ngành hàng lúa gạo trên thế giới hiện phải đối mặt với 3 thách thức lớn: Một là phải gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu dân số tăng. Hai là phải tăng thu nhập cho người trồng lúa. Ba là phải vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vừa phải giảm phát thải khí nhà kính.

Riêng đối với Việt Nam, có 2 thách thức phải giải quyết, đó là nâng cao thu nhập cho nông dân và chuyển đổi sản xuất xanh để thích ứng biến đổi khí hậu. Nếu không thay đổi thì ngành hàng lúa gạo sẽ không thể phát triển bền vững được.

Thực tế hiện nay, ở nhiều nơi đã có hiện tượng nông dân bỏ ruộng hoặc bỏ vụ, do không thể sống được bằng nghề trồng lúa. Nhiều năm qua, Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như về lĩnh vực giống, vốn Chính phủ đầu tư cho ngành nông nghiệp phần lớn cũng từ vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế.

Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL mới được chính phủ Việt Nam phê duyệt và đã được Bộ NN-PTNT phát động triển khai là hướng đi tích cực cho ngành hàng lúa gạo. Tuy nhiên, cần có những giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.

Nông dân Việt Nam có diện tích sản xuất trung bình rất nhỏ, chỉ khoảng 0,6 ha/hộ, vậy 1 triệu ha sẽ có khoảng 1,5 triệu hộ tham gia, cần phải được tập huấn, đào tạo để thay đổi tập quán sản xuất. Cùng với đó là phải đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vay vốn tín dụng ngân hàng để phục vụ sản xuất.

10 giờ 10 phút

Quốc tế ủng hộ Đề án sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải

Tại Hội thảo, các đại biểu quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm, bài học, sáng kiến và bày tỏ sự ủng hộ đối với Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Ông Aziz R. Arya (Văn phòng FAO Châu Á - Thái Bình Dương) khẳng định, trong sản xuất lúa gạo, nước có vai trò quan trọng trong sản xuất cũng như trong vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH). Có 40% thủy lợi toàn cầu được dành cho sử dụng nông nghiệp. Năng suất gia tăng nếu như sử dụng nước hợp lý. Chuỗi sản xuất lúa gạo liên quan tới tất cả các khía cạnh, đặc biệt là người nông dân, khoa học công nghệ, thủy lợi, vấn đề tiếp cận thương mại, tiêu dùng; thay đổi khẩu phần ăn, thay đổi về thành phần dinh dưỡng…

Nhập chú thích ảnh

Ông Aziz R. Arya (Văn phòng FAO Châu Á - Thái Bình Dương) chia sẻ tại Hội thảo.

Những thách thức trong chuỗi lúa gạo gồm gánh nặng kép của việc gia tăng dân số dẫn tới nhu cầu sử dụng lương thực tăng cao. Họ có nhu cầu về loại thực phẩm nào, chuỗi sản xuất có thể đáp ứng được bao nhiêu… Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, sự thay đổi về nhiệt độ liên quan tới các loại sâu bệnh theo mùa vụ… Các vấn đề đó đặt ra những yêu cầu về việc nghiên cứu.

Tiếp đó là khâu chế biến trong nông sản, cần có cơ chế tài chính, khả năng tiếp cận những vùng địa lý. Người nông dân là nguồn cung cấp các sản phẩm đầu vào cho nhà máy chế biến, tuy nhiên, hầu hết các nhà máy chế biến thường nằm xa so với vùng sản xuất lúa do đó phát sinh chi phí vận chuyển.

Các quốc gia châu Phi có những khoảng trống khổng lồ trong lĩnh vực nông nghiệp, và cần nhiều thời gian mới có thể lấp đầy. Giải pháp để lấp khoảng trống đó chính là con đường giáo dục. Các cán bộ khuyến nông có vai trò quan trọng, họ là cây cầu nối để đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đến với người sản xuất.

Đại diện của FAO cũng bày tỏ sự ủng hộ cao đối với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Việt Nam vừa được thông qua. Ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Australia tại Việt Nam khẳng định quyết tâm của Úc trong việc hỗ trợ Đề án 1 triệu ha lúa của Việt Nam.

Nhập chú thích ảnh

Ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Australia tại Việt Nam khẳng định quyết tâm của Úc trong việc hỗ trợ Đề án 1 triệu ha lúa của Việt Nam.

“Australia đã có nhiều dự án đầu tư cho các tỉnh ĐBSCL để phát triển các vùng trồng lúa sinh thái, lúa – tôm. Tới đây, Australia sẽ mở rộng thêm ngân sách để đầu tư cho các dự án này. Chúng tôi tin tưởng Đề án này sẽ tăng cường vào khâu phát triển chuỗi sản xuất lúa gạo, giúp Việt Nam đạt được những nghĩa vụ quốc tế theo thỏa thuận, duy trì sức khỏe của hệ sinh thái vùng ĐBSCL. Phát triển chuỗi sản xuất lúa gạo là một vấn đề phức hợp, toàn diện nên cần có một hệ giải pháp đồng bộ.

Việt Nam cần nhìn nhận ít nhất vào 3 khía cạnh của vấn đề: BĐKH là yếu tố bên ngoài nhưng có tác động rất lớn tới sản xuất lúa gạo; khoa học kỹ thuật.., vấn đề giá cả và văn hóa vùng miền của các địa phương”, ông Andrew Goledzinowski phát biểu.

Nhập chú thích ảnh

Bà Sonia Esche - Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Xanh - GIZ.

Bà Sonia Esche - Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Xanh - GIZ chia sẻ: mục tiêu của GIZ không chỉ giúp nông dân Việt Nam tăng thu nhập mà còn thúc đẩy giảm phát thải; phát triển chuỗi ngành hàng lúa gạo theo một cách thức thích hợp hơn. Tại 6 tỉnh mà chúng tôi đang triển khai đã có những thay đổi nhất định. Những thay đổi này sẽ được áp dụng đối với đề án 1 triệu ha lúa tới đây”.

9 giờ 50 phút

Góc nhìn và yêu cầu từ khối doanh nghiệp tư nhân

ong thuan loc troi

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận phân tích:

Chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước gấp 3 lần so với hiện nay.

Đề cập vấn đề phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam bền vững, minh bạch và trách nhiệm dựa trên ba yếu tố kinh tế - xã hội – môi trường, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, phân tích: Chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước gấp 3 lần so với hiện nay. Sản lượng, chất lượng lúa gạo Việt Nam càng ngày càng tăng, tuy nhiên để phát triển bền vững có một số rào cản chúng ta cần phải vượt qua, hướng đến các tiêu chí trọng tâm.

Thứ nhất là sản xuất phải bền vững ở cả ba yếu tố là kinh tế, môi trường và xã hội. Hiện nay giá lúa đang giúp bà con nông dân có thu nhập ổn định, thậm chí là lớn nhất trong tất cả các ngành kinh tế hiện nay. Bỏ ra 1.000 USD để đầu tư trên một ha thời điểm này doanh thu đang từ 3.000 - 3.500 USD, chưa kể đầu tư đó không phải bỏ vốn, từ đó có thể khẳng định ở quy mô nông sản xuất lúa hoàn toàn có lời.

Liên kết sản xuất giúp giá thành giảm và năng lực cung ứng ổn định. Đây là vấn đề quan trọng bởi ngành lúa gạo có quy mô rất lớn, nhu cầu hàng triệu tấn, vì thế không thể không liên kết sản xuất để tạo ra quy mô lớn. Và chúng ta phải tháo gỡ các rào cản để liên kết sản xuất.

Rào cản thứ hai phải tháo gỡ là rào cản tín dụng. Mặc dù hiện này có nhiều ưu đãi cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo tuy nhiên chưa hoàn toàn phù hợp với đặc tính của ngành lúa gạo. Giống như tình trạng có áo nhưng không mặc được, vẫn phải chịu lạnh.

Thứ ba, rào cản môi trường pháp luật. Tình trạng người dân, doanh nghiệp vi phạm, bẻ kèo, vi phạm hợp đồng hay nhiều hành vi vi phạm khác đang còn diễn ra phổ biến. Rào cản cuối cùng là cơ giới hóa đồng bộ, cần cải thiện cơ giới để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế. Nếu sử dụng cơ giới hóa đồng bộ sẽ giảm được hao hụt trong thu hoạch.

Tập đoàn Lộc Trời kiến nghị: Về kinh tế, tổ chức liên kết sản xuất chặt chẽ, gắn qui hoạch diện tích trồng lúa với các nhà máy chế biến để đảm bảo sự ổn định trong chuỗi canh tác và chế biến lúa gạo. Nền tảng của liên kết sản xuất là các qui định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP. Các nhà máy cung cấp giống và vật tư nông nghiệp cho nông dân theo tiêu chuẩn của thị trường tiêu thụ. Mỗi nhà máy sẽ đăng ký sản xuất cho một nhóm thị trường có chất lượng tương đồng để có thể tạo ra sự ổn định trong cung cấp lúa gạo…

Về xã hội, trong mối quan hệ liên kết sản xuất với nông dân, hợp tác xã, yêu cầu các bên cần tuân thủ pháp luật, tôn trọng các điều khoản đã cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng, và thực thi hợp đồng trên cơ sở các quy định của hợp đồng và pháp luật dân sự. Khi có tranh chấp xảy ra thì các cơ quan quản lý hỗ trợ phân xử theo đúng các cam kết của các bên tham gia. Đảm bảo duy trì được mối liên kết sản xuất bền chặt và đúng pháp luật.

Về môi trường, có chương trình bảo vệ môi trường phải là sự phối hợp chung của cả nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng nông dân. Đề nghị ban hành qui định về bảo vệ môi trường trong canh tác lúa. Bao gồm lượng giống sử dụng không được vượt quá 100 kg/ha, lượng phân bón hóa chất, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa chất và qui định xử phạt đối với gạo có dư lượng hóa chất cao hơn qui định….

9 giờ 40 phút

Liên kết tài chính và thị trường carbon là cơ hội phát triển chuỗi giá trị bền vững

Mr Cao Thăng Bình (2)

TS. Cao Thăng Bình - Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Cao Thăng Bình, Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, Việt Nam hiện đang có vai trò, vị trí cao trong thị trường lúa gạo, đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Năm 2023, có khả năng Việt Nam xuất khẩu đạt 8 triệu tấn gạo, giá trị xuất khẩu cũng được tăng lên.

Khi các nước xuất khẩu có xu hướng giảm lượng, thậm chí tạm ngưng xuất khẩu đã tạo cơ hội cho gạo của Việt Nam chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo của Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều thách thức như năng suất gần như đã kịch trần, khó có thể tăng thêm và nông dân thường sử dụng nguyên liệu đầu vào rất nhiều, nhất là phân bón để đạt được năng suất cao.

Thời gian quan, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu tiên để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, như Nghị quyết 120 và mới đây nhất là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Đồng thời, huy động các nguồn lực tài chính đầu tư, hỗ trợ cho phát triển ngành hàng lúa gạo, trong đó có cả thị trường các bon trong tương lai. Từ đó, tạo cơ hội cho phát triển sản xuất, đưa công nghệ vào đồng ruộng, nông nghiệp chính xác, công nghệ số, cảm biến giúp tối ưu sử dụng tài nguyên, tăng hiệu quả, giảm thất thoát sau thu hoạch, di chuyển rơm rạ ra khỏi đồng ruộng.

Để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cần trải qua 4 giai đoạn: Tạo ra các kết quả giảm thiểu. Tạo tín chỉ carbon chất lượng cao. Hỗ trợ tiền tệ hóa. Chia sẻ lợi ích.

9 giờ 25 phút

Chuỗi sản xuất lúa gạo giúp tăng năng suất, chất lượng, giảm khí thải carbon

lua phat thai thap

TS. Nguyễn Văn Hùng, Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), nêu các sáng kiến, giải pháp công nghệ hỗ trợ nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng chất lượng, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh.

Theo TS. Hùng, hệ thống sản xuất lúa gạo phụ thuộc vào các đặc trưng vùng, biến đổi khí hậu; sự dịch chuyển của lực lượng lao động; mất mùa, mất giá, tổn thất trong quá trình thu hoạch và sau thu hoạch; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp… Để nâng giá trị ngành hàng lúa gạo, giảm phát thải cần tối ưu hóa hệ thống sản xuất, trước tiên là sự thay đổi về giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với thị trường thông minh, có chỉ số đường thấp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, thị trường; canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ thị trường tín chỉ carbon…

Trong những năm qua, IRRI đã nghiên cứu, phát triển các giống lúa thích ứng với khí hậu mặn, hạn mặn, xây dựng nên thị trường giống lúa thông minh, các giống lúa có chỉ số GI thấp và giá trị cao. IRRI đang tiến hành khảo sát điều tra diện rộng 10.000 nông dân ĐBSCL để xây dựng bộ dữ liệu từ đó xây dựng hệ thống canh tác tối ưu; tối ưu công cụ xác định các giải pháp và cây trồng ưu tiên biến đổi khí hậu; các giải pháp lúa phát thải thấp...

Nội dung quan trọng để phát triển chuỗi sản xuất ngành hàng lúa gạo, đó là việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, như công nghệ gieo sạ chính xác kết hợp phân bón thông minh; quản lý dinh dưỡng thích ứng. Ứng dụng khoa học công nghệ giúp giảm đầu vào nông học (giống, phân bón, thuốc BVTV).

Cơ giới hóa gieo sạ chính xác giúp giảm lượng giống đầu vào, từ đó người nông dân giảm được chi phí nên sẽ sẵn sàng bỏ tiền để mua những giống lúa được xác nhận, chất lượng cao, có xuất xứ nguồn gốc. Mật độ tối ưu của việc gieo sạ cũng giúp giảm áp lực sâu bệnh thông qua mật độ gieo và quản lý cỏ dại, giảm độ ngã của cây lúa.

Đối với vấn đề quản lý nước trong sản xuất nông nghiệp, theo TS. Hùng, những năm qua, tại ĐBSCL đã giảm tới 30% lượng nước trồng trọt, 50% lượng khí thải nhà kính. Việc tối ưu hóa quản lý nước từ tổng thể vùng cho đến đồng ruộng, lập bản đồ tưới phù hợp, đánh giá đầu tư – chi phí – lợi ích sử dụng nước.

Trong chuỗi sản xuất lúa gạo, kinh tế tuần hoàn từ rơm rạ là vấn đề tối ưu, giúp giảm tới 30% phát thải carbon. Hiện nay, ở ĐBSCL, mùa mưa gây ra trở ngại, khó khăn cho việc thu hồi rơm ướt, tuy nhiên, về lâu dài cũng sẽ phải có giải pháp bởi rơm rạ, phụ phẩm ngành nông nghiệp là nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ. Nghiên cứu cho thấy, bón 1 tấn phân hữu cơ giúp giảm 40% phân bón hóa học, từ đó mang lại hiệu quả bền vừng, giúp quản lý tốt sau thu hoạch, giảm tổn thất, tăng giá trị nông nghiệp.

Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, IRRI đang cùng các đối tác xây dựng hệ thống chính sách, kế hoạch (MRV) để giảm khí thải carbon, tiềm năng sẽ giảm được trên 65% phát thải cho cây lúa. Dự án này IRRI sẽ triển khai tại 6 tỉnh của ĐBSCL.

8 giờ 50 phút

10 điểm nghẽn và 4 giải pháp để phát triển bền vững chuỗi giá trị lúa gạo

lua gao

Theo quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Phú Sơn (Trường Đại học Cần Thơ), có 10 điểm nghẽn chính của việc phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng trách nhiệm và bền vững (Ảnh minh họa).

Trình bày về chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam, thực trạng và giải pháp phát triển bền vững, PGS.TS. Nguyễn Phú Son (Trường Đại học Cần Thơ) phân tích: Có 10 điểm nghẽn chính của việc phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng trách nhiệm và bền vững. Trong đó có những điểm nghẽn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như các tác nhân tham gia chuỗi giá trị chưa nhận thức được đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết là một quá trình và linh động phù hợp với điều kiện ở từng nơi, từng lúc, chính vì vậy, mục tiêu liên kết của họ chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn, hơn là trong dài hạn, dẫn đến hợp đồng liên kết giữa họ chỉ mang tính thời vụ.

Điểm nghẽn nữa là tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững. Thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị.

Điểm nghẽn này thể hiện rõ rệt nhất trong khâu thương thảo ký kết hợp đồng và trong khâu thu mua sản phẩm lúa. Hệ lụy của vấn đề này đã thường xuyên dẫn đến tình trạng bội tín, bẻ kèo giữa các bên tham gia liên kết. Mỗi khi thị trường tốt lên, phía người nông dân có xu hướng bán lúa với lượng ít hơn như trong hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp. Ngược lại, mỗi khi thị trường xấu đi, nông dân có xu hướng bán với lượng lúa nhiều hơn, hoặc doanh nghiệp quay mặt lại với nông dân, điều này tạo nên tính không bền vững trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.

Điểm nghẽn tiếp theo chính là năng lực sản xuất kinh doanh, thị trường của cá nhân, tổ chức nông dân còn rất hạn chế, qui mô sản xuất nhỏ dẫn đến thiếu vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, chất lượng cao, cũng như làm hạn chế khả năng ứng dụng cơ giới và tự động hóa trong sản xuất lúa, dẫn đến chi phí sản xuất cao, làm giảm năng lực cạnh tranh và khả năng thâm nhập vào các thị trường cao cấp, gây khó khăn nhất định trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hướng đến nền sản xuất xanh, bền vững.

Một điểm nghẽn nữa là ngành hàng lúa gạo chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn. Đây là một điểm nghẽn lớn làm ảnh hưởng đến khả năng dự báo thị trường cũng như quản lý tốt ngành hàng để làm tối ưu hóa khoảng cách cung - cầu, bởi thiếu một dự báo thị trường tốt làm giảm hiệu quả hoạt động của tất cả các tác nhân trong chuỗi.

Cùng một số điểm nghẽn khác, trong đó có vấn đề Chính phủ chưa có những chính sách chế tài nghiêm minh đối với những trường hợp sản xuất trái với quy hoạch ngành, kinh doanh vật tư và hàng hóa giả, kém chất lượng, kinh doanh vi phạm bản quyền nhãn hiệu, bao bì của tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh khác đã và đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị, làm cho chuỗi giá trị trở nên kém bền vững.

"Để giải quyết 10 điểm nghẽn nêu trên, tôi cho rằng có 4 giải pháp nhằm phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng trách nhiệm và bền vững, đó là: Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh. Nghiên cứu và phát triển các mô hình liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo. Cắt giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo. Xây dựng dự án nghiên cứu phát triển giống lúa và phát triển thương hiệu gạo chung của Việt Nam", PGS.TS. Nguyễn Phú Son đề xuất.

8 giờ 40 phút

Phải đảm bảo được tính bền vững của ngành hàng lúa gạo

ong le thanh tung

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao. Diện tích có xu hướng giảm nhưng năng suất, chất lượng ngày càng tăng, giá trị xuất khẩu gạo cũng được tăng lên. Ngành hàng sản xuất lúa gạo đã tạo ra việc làm, sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân, sản lượng gạo xuất khẩu luôn được giữ vũng và tăng thêm.

Tuy nhiên, nhiều hạn chế của ngành hàng lúa gạo vẫn chưa được khắc phục triệt để, như sản xuất còn nhỏ lẻ, chi phí sản xuất cao. Khối lượng gạo xuất khẩu lớn, nhưng giá trị chưa cao, thu nhập người trồng lúa còn thấp. Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được triển khai sẽ giải quyết nhiều yếu tố mà ngành hàng lúa gạo đang đặt ra.

Theo lời ông Lê Thanh Tùng, sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện nay đang phải đối mặt với thách thức là nguồn nước, một là lũ không còn diễn ra theo quy luật, hai là mặn xâm nhập ngày càng gia tăng. Vì vậy, cần phải đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ để giảm phát thải và bán tín chỉ các bon để có thêm nguồn lực đầu tư cho nông dân sản xuất lúa gạo.

"Chúng ta đã có diện tích 184.000ha vùng dự án VnSAT, là nền tảng, cơ sở để tiếp tục nhân rộng trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Cần tiếp tục xây dựng cải thiện quy trình sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất mới. Đảm bảo an ninh lương thực, an ninh thu nhập cho người trồng lúa, người tiêu dùng được ăn gạo ngon và an toàn. Bảo vệ nguồn tài nguyên, di sản văn hóa sản xuất lúa của các vùng, miền để khai thác giá trị gia tăng", Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh.

8 giờ 30 phút

Xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo khoa học, phù hợp với kinh tế thị trường

Nhập chú thích ảnh

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh mong muốn Hội thảo sẽ góp phần để xây dựng chuỗi phát triển lúa gạo minh bạch, bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh chia sẻ tại Hội thảo: Hậu Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Ngành sản xuất lúa gạo đóng góp 54% trong tỷ trọng nông lâm thủy sản của tỉnh, hiện đang chuyển dịch từ sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, khoa học sản xuất để phát triển nông nghiệp bền vững.

Triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vừa được phát động sáng ngày 12/12, tỉnh Hậu Giang đăng ký tham gia 28.000ha (năm 2024), 48.000ha (năm 2025); sẽ tiếp tục củng cố các hợp tác xã, các dự án như xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh; đề án Phát triển nông nghiệp bền vững gắn liền với kinh tế xanh, phát triển lúa phát thải thấp.

Ngành hàng lúa gạo Hậu Giang có nhiều cơ hội để phát triển thành ngành kinh tế chủ lực. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích cho người nông dân, việc phát triển chuỗi sản xuất lúa gạo khoa học, bền vững thực sự cần thiết, phù hợp với kinh tế thị trường.

Ông Đồng Văn Thanh mong muốn Hội thảo sẽ góp phần để xây dựng chuỗi phát triển lúa gạo minh bạch, bền vững. Làm rõ những nội dung còn tồn tại trong sản xuất lúa gạo như: sự chưa đồng bộ, thiếu tính liên kết trong các chuỗi mắt xích sản xuất ngành hàng lúa gạo; quy mô nhỏ lẻ, manh mún; chưa có chính sách đủ hấp dẫn các doanh nghiệp, người dân; Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sản xuất lúa gạo; Lực lượng lao động trong ngành sản xuất lúa gạo…

8 giờ 20 phút

 

Nhập chú thích ảnh

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung khẳng định hội thảo là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung khẳng định: Đây là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Thứ trưởng gợi mở một số nội dung để hội thảo ngày hôm nay cùng bàn luận. Thứ nhất là tình trạng trong các mắt xích, chuỗi phát triển lúa gạo chưa nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc liên kết phát triển sản xuất, chưa chuyển đổi tư duy thị trường thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, người dân chưa thấy được lợi ích của việc tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa, thêm vào đó chưa có chính sách đủ hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào liên kết hỗ trợ người nông dân.

Thứ ba, biến đổi khí hậu dẫn đến những hiện tượng thời tiết bất thường nghiêm trọng như nước biển dâng, xâm nhập mặn là những điểm nghẽn trong sản xuất lúa gạo.

Thứ tư, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, lúa gạo Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh hơn với nhiều quốc gia xuất khẩu khác, cùng với đó là rào cản của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe, nâng cao.

Cuối cùng là lực lượng lao động sản xuất lúa gạo và ngành nghề phụ trợ đang già hóa, tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động và làm giảm tính bền vững của ngành hàng.

Cũng nhân dịp này, Bộ NN-PTNT Việt Nam kêu gọi các chuyên gia, nhà khoa học, các Viện nghiên cứu quốc tế, tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các nguồn lực để Việt Nam thực hiện thành công Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam theo hướng trách nhiệm, minh bạch và bền vững, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/phat-trien-chuoi-gia-tri-lua-gao-viet-nam-trach-nhiem-va-ben-vung-d371420.html

Liên kết