Đã đến lúc cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp với tăng trưởng hướng đến chất lượng, an toàn, bền vững, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất sử dụng.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh như vậy tại tọa đàm “Cơ hội, tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam và khả năng hợp tác Việt Nam - Đài Loan trong phát triển chuỗi nông sản”.
Với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD trong năm 2023, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12 tỷ USD (tăng 43%), Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có một số mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, góp phần khẳng định vị thế quan trọng của ngành nông nghiệp và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy phát triển
Bên cạnh những thành tựu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, nông nghiệp Việt Nam phát triển thiếu bền vững, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, manh mún, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao.
Theo thống kê, có đến 70% - 85% nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp; chất lượng chưa đồng đều, công nghệ chế biến lạc hậu, giá thành sản xuất cao khiến cho cạnh tranh kém. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn mới chỉ chiếm khoảng 1,3% tổng số doanh nghiệp, đa phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về nhiều mặt.
Đặc biệt, không đủ nguồn lực đầu tư mua sắm trang thiết bị thử nghiệm, kiểm nghiệm, máy móc thiết bị chế biến và bảo quản tiên tiến. Các doanh nghiệp, hợp tác xã chưa tiếp cận được nguồn chuyên gia có kỹ thuật cao để hỗ trợ, tư vấn phát triển các ý tưởng kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm…
Nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tăng trưởng trong tương lai phải dựa vào hiệu quả trên cơ sở giống mới chất lượng hơn, canh tác hữu cơ, sạch. Cơ cấu sản xuất và cách thức tổ chức chuỗi cung ứng cũng cần thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, bền vững, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất sử dụng.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang còn nghiên cứu, hợp tác xây dựng mô hình mẫu, điển hình tiên tiến với quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác đạt chuẩn phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Là một trong những người đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển nông nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), GS.TS Thái Đông Soán - trường đại học quốc gia Trung Hưng chia sẻ, hơn 30 năm trước, nông nghiệp tại Đài Loan cũng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như phát triển tự phát, các nông hộ sản xuất theo trào lưu.
GS.TS Thái Đông Soán chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp tại Đài Loan (Trung Quốc)
Để thay đổi, nông nghiệp tại Đài Loan được quy hoạch thành các vùng trồng theo các điều kiện khí hậu, vị trí địa lý, thổ nhưỡng. Trên cơ sở đó, xác định sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, thành lập các trung tâm nghiên cứu và liên minh hợp tác xã hỗ trợ nông dân của từng vùng. Cùng với đó là tổ chức chương trình đào tạo liên tục với sự song hành của chính quyền và hợp tác xã để cung cấp kiến thức, giúp mỗi nông dân trở thành chuyên gia nông nghiệp; hướng dẫn nông hộ canh tác theo hướng không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…
Việc triển khai hệ thống quản lý năng lực sản xuất, kiểm soát chất lượng, sản lượng nông sản đảm bảo sản phẩm thu hoạch không vượt quá hàm lượng thuốc trừ sâu cho phép. Từ đó, người tiêu dùng mới chấp nhận và thu hút nhiều nhà đầu tư phụ trợ nông nghiệp.
GS.TS Thái Đông Soán nêu quan điểm, mỗi nông dân là người chủ của mảnh vườn; mỗi cây trồng, một khu vườn có thể xem như một nhà máy sản xuất. Do đó, cần đảm bảo nhà máy sản xuất đó hoạt động hiệu quả, cho sản phẩm chất lượng tốt.
Nhận định xu hướng phát triển nông nghiệp của thế giới trong thời gian tới sẽ hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, GS.TS Thái Đông Soán cho rằng, Việt Nam với lợi thế của khí hậu nhiệt đới cần phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm, hạn chế và kiểm soát tốt dư lượng bảo vệ thực vật, chú trọng sử dụng các loại phân bón vi sinh. Những nông sản xuất khẩu đảm bảo chất lượng từ canh tác an toàn như vậy không chỉ được đón nhận trên thị trường quốc tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên đã ưu đãi cho Việt Nam. Hơn thế, đây là tiêu chí đạo đức của nhà nông, của doanh nghiệp; đồng thời mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp phụ trợ.
Nguồn:https://diendandoanhnghiep.vn/phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-tang-truong-ben-vung-266532.html