1. Đến thăm Phố Hiến xưa (nay là một phần của thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), quan sát và ngẫm ngợi, du khách không khỏi cảm khái về sự mất – còn, hưng – vong, sự biến thiên dâu bể, về sự tồn tại của một đô thị từng phồn vinh thịnh vượng đến nay nhạt nhòa dấu tích, để lại niềm nhớ tiếc khôn nguôi, lặng thầm cho hậu thế. Quan sát và ngẫm ngợi, những vần thơ hoài cổ, hoài niệm thấp thoáng hiện về: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…” (Thăng Long hoài cổ – Bà Huyện Thanh Quan), hoặc mộc mạc dân dã hơn: “Sông kia rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai…” (Sông Lấp – Trần Tế Xương)… Và, dưới một góc nhìn nào đó, Phố Hiến cũng là một “tứ thơ”, một “bài thơ” hoài cổ.
Trong không gian khoảng năm cây số vuông, ở xứ Đàng Ngoài xưa, vào thế kỉ 17, từng tồn tại khu đô thị một thời vang bóng, được gọi là Phố Hiến, có vị thế, vị trí “Thứ nhất Kinh kì, thứ nhì Phố Hiến”.
Di tích Đông Đô Quảng Hội, phường Hồng Châu (thành phố Hưng Yên)
Ảnh:Lê Hào
Tôi đứng trên triền đê, cuối hồ Bán Nguyệt hiện giờ, xưa là cảng Vạn Lai Triều – nơi thuyền bè thương nhân cập bến, là trung tâm của Phố Hiến một thời… vẫn như văng vẳng đâu đây tiếng người xưa vọng lại… Tấp nập thuyền bè, nhộn nhịp hoạt động giao thương. Xì xồ, lơ lớ… giọng thương nhân Hà Lan, Anh Quốc; hảo lớ, tour xiảo xién ngồ ngộ giọng thương nhân Hoa kiều; lè bè thủ thỉ giọng thương nhân Nhật Bản… Bấy giờ sông Hồng ở sát chân đê…
Tôi đến phố Mậu Dương thuộc phường Hồng Châu bây giờ, lặng ngắm ngôi nhà lợp ngói âm dương dầu dãi thời gian, xưa có tên là Đông Đô Quảng Hội – Thiên Hậu Cung nằm ở trung tâm Phố Hiến, là nơi hội họp của các thương nhân nước ngoài để mua bán, định giá hàng hóa, thỏa thuận hợp đồng, điều hành các thương vụ bấy giờ. Sau này, nơi đây là trụ sở hội họp, gặp mặt của người Hoa ở Phố Hiến… Vẫn như thấy cảnh nhộn nhịp vào ra, ồn ào trò chuyện, tay bắt mặt mừng… Ngôi nhà kiến trúc Á Đông này là hình ảnh hiếm hoi còn sót lại, là minh chứng sinh động về thời kì phát triển hưng thịnh nhất của Phố Hiến xưa…
Bước chân phiêu du đưa tôi đến những khu chợ của Phố Hiến thuở ấy, nay không còn dấu tích. Chợ là gương mặt kinh tế – văn hóa – đời sống của một vùng. Chợ Phố Hiến ngày ấy là hình ảnh sinh động của một “đô thị kinh tế” đang hồi thịnh vượng. Chợ Vạn ở bến Xích Đằng, chợ Hiến cạnh lị sở Sơn Nam, chợ Bảo Châu… luôn ồn ã bán mua, giao thương sôi động… Chiều nay, trên triền đê, lặng ngắm không gian các khu chợ ngày nào, như thấy vẫn xôn xao đó đây các âm thanh, sắc màu, hương vị… và không khí rộn rã, náo nhiệt – dấu hiệu của sự hưng thịnh một thời.
Tôi dừng lại ở khu phố phường xưa – nơi định cư của người Việt, người Hoa và các kiều dân ngoại quốc khác. Lúp xúp những ngôi nhà cổ mái ngói chạy dài theo con đê uốn lượn. Sử sách ghi Phố Hiến thời ấy có tới 20 phường, 13 phố và nhan nhản những cửa hiệu buôn bán và một số thương điếm (trụ sở giao thương) mọc lên sầm uất trên các con phố. Trong đó, có những phường chuyên sản xuất và bày bán các mặt hàng thủ công nghiệp phong phú đa dạng sắc màu. Thật thú vị, có những tên phường mang dáng dấp của các phường phố ở đất Kinh kì: phường Hàng Sũ (bán đồ gỗ, đồ sắt), phường Nhuộm Vải (nhuộm vải vóc, áo quần), phường Hàng Chén (bán đồ sứ), phường Hàng Bè (bán tre nứa), phường Thuộc Da (bán sản phẩm da thuộc)… Khi Phố Hiến lụi tàn, có lẽ cư dân các phường này di cư về đất Kinh kì, gia nhập và làm phong phú thêm, sôi động hơn việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công truyền thống trong các phố, các phường tương ứng ở đây.
“Trải qua một cuộc bể dâu…”(*). Sử sách viết rằng, đến cuối thế kỉ 18, quần thể kiến trúc phường phố sầm uất một thời này bị phá hủy và biến thành đồng ruộng. Còn bảng lảng thấp thoáng đâu đây bóng hình của các phố phường đông đúc và giàu có của Phố Hiến xưa…
2. Tôi vẩn vơ ngẫm ngợi về sự tồn tại không dài của Phố Hiến, về sự hình thành và biến mất của đô thị này.
Trước hết, sự hình thành, ra đời của Phố Hiến cũng có gì lạ, kích thích tò mò tìm hiểu. Một vùng thôn quê thuần nông xa khuất ven sông, với những cư dân nông nghiệp tự bao đời, chỉ quen với ruộng nương đồng bãi…, không ẩn chứa mầm mống của một đô thị kinh tế, ít nhiều xa lạ với hoạt động giao thương, xa lạ với các thương nhân, nhất là các thương nhân ngoại quốc… Thế mà, như một sự “đưa đẩy” của tạo hóa, nơi đây lại mọc lên một đô thị sầm uất, một trung tâm kinh tế nổi tiếng thời bấy giờ, lại còn có yếu tố giao lưu quốc tế…
Hóa ra mọi sự tồn tại đều không phải ngẫu nhiên, đều có “cố lí”. Trời cho mảnh đất này một vị trí địa lí với nhiều lợi thế. Thời đó, giao thông đường bộ chưa phát triển. Giao thông thủy là chính yếu, nhất là đối với công việc buôn bán đường dài. Từ mảnh đất sau này gọi là Phố Hiến, bằng đường sông, có thể đi tới nhiều nơi ở Bắc Bộ và xa hơn nữa. Đây là nơi trung chuyển, là cửa ngõ, là đầu mối thông thương với các tuyến giao thương trên sông, ven biển ở trong nước và kết nối với các tuyến giao thương quốc tế ở Biển Đông, kéo dài vạn dặm tới các quốc gia châu Á và Phương Tây. Phố Hiến hội đủ các yếu tố cho sự ra đời của một thương cảng có tính quốc tế bấy giờ. Theo đó, một đô thị kinh tế quy mô nhỏ cũng được hình thành tại đây. Giữa thế kỉ 17 là thời kì hoàng kim hưng thịnh rực rỡ nhất của Phố Hiến bấy giờ.
Sự tồn tại kéo dài không lâu. Sau đó là quá trình suy thoái, lụi tàn. Các tàu buôn ít ghé đến. Các thương điếm đóng cửa. Các chợ phố dần thưa thớt bán mua… Trời cho Phố Hiến một vị trí địa lí “đắc địa”, nhưng sau này, trời lại “lấy đi” cái lợi thế ấy. Do sự bồi lấp của sông Hồng, dòng chảy của sông ngày càng lùi xa. Bến cảng Phố Hiến dần biến mất. Kinh đô nước Việt chuyển vào Huế. Vai trò kinh tế chuyển sang bến cảng Hải Phòng và một số thương cảng khác. Đến thế kỉ 19, hình ảnh Phố Hiến sầm uất nhạt nhòa dần và cuối cùng chỉ còn trong tâm tưởng.
Và, khởi thủy đây là một vùng thôn quê yên bình xa khuất, nay trở lại là một mảnh đất vừa gốc gác chân quê vừa thấp thoáng sắc màu hiện đại, còn lưu giữ được ít nhiều các giá trị văn hóa xa xưa… Và khởi thủy là những cư dân nông nghiệp chân lấm tay bùn, chất phác thuần hậu, không quen lăn lộn thương trường, thì nay vẫn là những con người gắn bó với ruộng đồng, với mảnh đất vừa yên bình, vừa kì vọng ngày càng hưng thịnh.
3. Phố Hiến còn gợi nhiều suy nghĩ về các vấn đề văn hoá – lịch sử và những yếu tố liên quan.
Một đô thị như Phố Hiến mang trong mình các giá trị văn hoá và lịch sử. Khi mất đi, qua thời gian, di sản này dần sẽ bị lãng quên, góp phần vào sự mất mát bản sắc văn hoá của một khu vực và của cả cộng đồng.
Đô thị từng tồn tại một thời như Phố Hiến ẩn tàng tiềm năng về du lịch và kinh tế nếu được bảo tồn, phục dựng, khai thác đúng cách.
Việc phục dựng một đô thị đã biến mất như Phố Hiến với mục đích bảo tồn giá trị văn hoá – lịch sử và phát triển du lịch, là một ý tưởng hợp lí, song cần được cân nhắc kĩ càng. Việc khôi phục này tạo điều kiện cho thế hệ sau hiểu được, hiểu sâu về quá trình phát triển và sự đa dạng văn hoá của một địa phương. Đồng thời tạo ra một “điểm đến” mới, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tuy vậy đòi hỏi cần có sự xem xét kĩ lưỡng mối quan hệ giữa du lịch và môi trường, giữa lợi ích ngắn hạn với sự phát triển bền vững, lâu dài.
…
Phố Hiến – hôm nay tôi đặt chân đến mảnh đất này, lặng nhìn những dấu tích còn vương sót, thấy dào lên một nỗi niềm cảm khái, dào lên cảm xúc hoài cổ và tiếc nuối về một địa danh, một địa chỉ văn hoá từng tồn tại một thời, nay trở thành nỗi hoài nhớ xa xăm của nhiều thế hệ.