Trong khuôn khổ Diễn đàn APEC, ngày 12/8, Đoàn công tác của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đại diện cho Việt Nam tham dự Hội thảo “Các công nghệ mới nổi cho số hóa, số hóa quy trình và hợp tác quy định quốc tế” được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Lima, Peru.
Từ lâu số hóa mang lại những giá trị như tăng khả năng nắm bắt cơ hội, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, xử lý thông tin và dữ liệu dễ dàng, bảo mật cao, tăng khả năng lưu trữ thông tin, khôi phục dữ liệu, thân thiện với môi trường, giảm phát thải carbon và chuẩn bị cho công cuộc chuyển đổi số…
Không chỉ là một xu hướng, mà số hóa đã trở thành một phần quan trọng của cuộc sống hằng ngày. Sự thay đổi này đã mang lại nhiều lợi ích về tối ưu hóa hiệu suất, tiết kiệm thời gian và nguyên liệu, cũng như tạo ra cách giao tiếp và kết nối mới mẻ. Số hóa đang tiếp tục phát triển và có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta nhiều hơn trong tương lai.
Như vậy, số hóa không chỉ là một khía cạnh của cuộc sống hiện đại mà còn là một chìa khóa quan trọng đối với sự phát triển và tiến bộ.
Đoàn công tác của Ủy Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia tham dự Hội thảo “Các công nghệ mới nổi cho số hóa, số hóa quy trình và hợp tác quy định quốc tế”.
Với mục tiêu hướng đến sự phát triển công nghệ mới nổi và việc hợp tác pháp lý quốc tế cho vấn đề số hóa, Hội thảo “Các công nghệ mới nổi cho số hóa, số hóa quy trình và hợp tác quy định quốc tế” đã hướng đến các nội dung quan trọng như: Sử dụng AI để chuyển đổi tài liệu giấy; Bảo mật tài liệu kỹ thuật số và dữ liệu đi kèm trong quy trình kiểm tra đánh giá sự phù hợp; Điện toán đám mây và khả năng ứng dụng của nó với quốc tế… Hội thảo được chia làm 4 phiên thảo luận.
Cụ thể, tại phiên thảo luận thứ nhất về sử dụng AI để chuyển đổi tài liệu giấy, có thể thấy, việc sử dụng AI đã làm giảm thiểu rất nhiều lỗi văn bản, đồng thời có thể dịch tài liệu sang các ngôn ngữ khác nhau để giảm bớt gánh nặng hành chính và xác minh việc tuân thủ các quy định cũng như các yêu cầu kiểm tra/ đánh giá sự phù hợp của sản phẩm.
Trong phiên thảo luận này cũng đề cập đến cách sử dụng AI để phát triển các tiêu chuẩn SMART. Tại phiên thảo luận thứ hai về bảo mật tài liệu kỹ thuật số và dữ liệu đi kèm trong Quy trình kiểm tra và đánh giá sự phù hợp. Các đại biểu và diễn giả trao đổi về việc sử dụng blockchain để lưu trữ và chia sẻ dữ liệu một cách an toàn, đặc biệt khi liên quan đến thương mại xuyên quốc gia đối với thông tin kinh doanh bí mật hoặc nhạy cảm và khả năng xác minh tính chính xác của thông tin được tải lên.
Tại phiên thảo luận thứ ba về điện toán đám mây và khả năng ứng dụng của nó đối với quốc tế. Các đại biểu và diễn giả đã cùng nhau chia sẻ thông tin về các khía cạnh kỹ thuật của điện toán đám mây và giới thiệu cách điện toán đám mây có thể được sử dụng để tạo ra kho dữ liệu, lưu trữ hoặc chia sẻ tài liệu và thông tin khác một cách hiệu quả.
Trong đó, một vài những nghiên cứu điển hình về cách điện toán đám mây tăng tính minh bạch và chia sẻ thông tin cùng ứng dụng tăng cường thương mại toàn cầu phù hợp với thực tiễn đã được đưa ra.
Đồng thời, tại phiên thảo luận, người tham gia hội thảo được trải nghiệm tương tác mô phỏng blockchain do TS. J.Scott Christianson – Đại học Missouri, Mỹ hướng dẫn, trải nghiệm này làm rõ hơn một phương thức hoạt động của Blockchain sử dụng hàm băm (hash).
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tham dự được chia nhóm để thảo luận, làm rõ các nội dung đã được các diễn giả trình bày, đồng thời chia sẻ những ý kiến, kinh nghiệm và đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn liền với thực tế của các nền kinh tế thuộc APEC cho Tiểu ban về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp (SCSC) – APEC trong thời gian tới.
Nguồn: https://tcvn.gov.vn/