Ngày 16/02/2023 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định do đồng chí Vũ Xuân Chung – Phó Giám đốc Sở cùng đại diện lãnh đạo của các phòng, đơn vị trực thuộc Sở đã đến làm việc và trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số trong hoạt động KH&CN; tiếp đoàn Nam Định, Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên có đồng chí ThS.Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở cùng lãnh đạo các phòng chức năng, đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở KH&CN Hưng Yên.
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Sở KH&CN hai tỉnh đã thông báo về kết quả thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động khoa học và công nghệ thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác chuyển đổi số trong thời gian tới. Bên cạnh đó trao đổi thêm về kinh nghiệm triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn như công tác tham mưu xây dựng các cơ chế chính để phát triển khoa học và công nghệ; công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý khoa học; quản lý công nghệ; sở hữu trí tuệ; các hoạt động sáng kiến, đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường về khoa học công nghệ; công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng như quản lý nhà nước về thông tin, thống kê, ứng dụng khoa học công nghệ. Ngoài ra đại biểu hai bên cũng chia sẻ kinh nghiệm về công tác thực hiện dịch vụ công, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công tác chuyển giao công nghệ; công tác xây dựng, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đảm bảo trọng tâm, trọng điểm nhằm đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn.
Trao đổi về kinh nghiệm chuyển đổi số trong hoạt động khoa học và công nghệ, ThS. Nguyễn Xuân Hải – Phó Giám đốc Sở KH&CN Hưng Yên cho biết Hưng Yên đã tiến hành các hoạt động chuyển đổi số từ những năm trước đây, tuy nhiên Sở tập trung mạnh vào công tác chuyển đổi số từ năm 2021 đến nay với 10 phân hệ theo các giai đoạn khác nhau như (1) Xây dựng phần mềm lưu trữ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 1997-2000; (2) Quản lý nhà khoa học, chuyên gia KH&CN; (3) Quản lý đề tài, dự án KH&CN mới; (4) Quản lý đề tài, dự án đang thực hiện; (5) Quản lý đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học; (6) Quản lý các Hội đồng tư vấn; (7) Quản lý đề tài đã hoàn thành; (8) Thống kê, báo cáo; (9) Quản lý bài báo khoa học và (10) Trang cá nhân hỗ trợ đăng ký, xét duyệt nhiệm vụ trực tuyến.
Theo ThS. Nguyễn Xuân Hải khó nhất của việc chuyển đổi số là nguồn dữ liệu đầu vào cần được chỉnh lý khoa học, tuy nhiên với các tư liệu được thực hiện từ nhiều năm trước đây sẽ rất khó khăn trong việc chỉnh lý vì tài liệu cũ, việc lưu trữ lâu năm sẽ khó cho việc chỉnh lý,... do đó mất rất nhiều thời gian vào công đoạn này. Với Hưng Yên bước đầu đã chỉnh lý được 19 mét tài liệu lưu trữ; số hóa được trên 95.000 trang tương đươcng 16.000 tài liệu, hồ sơ văn bản. Bên cạnh việc chỉnh lý tài liệu cần phải lựa chọn được công nghệ, nền tảng số và xây dựng cá phần mềm hiện đại như Microsoft.NET (.NET Framework) để thực hiện quản lý số.
Trao đổi với Hưng Yên, Ông Vũ Xuân Chung - Phó Giám đốc Sở KH&CN Nam Định cho biết, Nam Định đã tiến hành chỉnh lý tài liệu từ 2014 đến nay, đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết, hiện đang xây dựng nhiệm vụ lớn cho chuyển đổi số của ngành khoa học. Với kinh nghiệm được chia sẻ của Hưng Yên, thời gian tới Nam Định sẽ nhanh chóng thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số của ngành khoa học nói chung và chuyển giao hướng dẫn chuyển đổi số cho một số ngành, địa phương doanh nghiệp của Nam Định nói riêng.
Phát biểu tại buổi làm việc, ThS. Trần Tùng Chuẩn – TUV, Giám đốc Sở KH&CN Hưng Yên cho biết, với tình hình thực tiễn của Hưng Yên, Sở Khoa học đánh giá, lựa chọn và phân loại chuyển đổi số theo các phân hệ khác nhau nhằm hoàn thiện từng phân hệ, từng nội dung cụ thể góp phần vào thực hiện hiệu quả Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 theo Quyết định phê duyệt đề án số 571/QĐ-UBND ngày 25/02/2022 và Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 03/3/2022 của UBND tỉnh về Phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng tỉnh Hưng Yên năm 2022 góp phần quản lý, lưu trữ, khai thác, phát triển hiệu quả cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ của tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
ThS. Trần Tùng Chuẩn cũng mong muốn trong thời gian tới trên tình thần hợp tác, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ nói chung và chuyển đổi số nói riêng, hai Sở sẽ tiếp tục có những mối quan hệ sâu xắc, cùng với kinh nghiệm, lợi thế của tỉnh, thế mạnh của ngành khoa học và công nghệ, hai Sở sẽ bắt tay nhau cùng phát triển, thực hiện hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Từng bước khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ sẽ là nền tảng, là động lực chính trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mình.
Kết thúc hai ngày làm việc bổ ích, với sự chia sẻ và hỗ trợ nhau trong công tác xây dựng cơ chế chính sách, công tác quản lý, thực hiện và ứng dụng KH&CN trong thời gian tới sẽ hứa hẹn đem lại những hiệu quả to lớn cho cả hai Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên và Nam Định trong tương lai.
Trường Long./.