Tạo cộng đồng kết nối sở hữu trí tuệ và hoạt động đổi mới sáng tạo

Tạo cộng đồng kết nối sở hữu trí tuệ và hoạt động đổi mới sáng tạo

Việc kinh doanh của các doanh nghiệp dựa trên các kết quả của hoạt động đổi mới sáng tạo và bảo vệ tài sản trí tuệ sẽ tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Đây chính là cách thức để tạo ra lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế. Do vậy, yêu cầu của việc khơi dậy tiềm năng sáng tạo, phát huy và ứng dụng các kết quả hoạt động sáng tạo trong giới trẻ đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp khởi nghiệp đang là vấn đề cấp bách.

Nằm trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, dự án “Nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp” đã được triển khai từ năm 2017 đến năm 2019. Công ty TNHH IPCOM Việt Nam là đơn vị được giao chủ trì và thực hiện dự án. Bên cạnh đó, dự án đã huy động được đông đảo các đơn vị phối hợp thực hiện là Trường Đại học Ngoại thương, Báo Điện tử VietnamPlus, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân; Vụ, Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học trong cả nước, các Hiệp hội, câu lạc bộ khởi nghiệp…

Cần đầu tư cho đổi mới sáng tạo

Trong khuôn khổ của Dự án, 537 doanh nghiệp đã tham gia “Khảo sát hoạt động quản trị sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp Việt Nam”. Kết quả cuộc khảo sát đã làm rõ mối tương quan khi so sánh hiểu biết về sở hữu trí tuệ và mức độ quan tâm đến hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong đó, từ 63-73% trên tổng số 537 doanh nghiệp có nhận thức cao và rất cao về các tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp cũng quan tâm lớn tới hoạt động đổi mới sáng tạo. Tỉ lệ doanh nghiệp vừa nhận biết, tiếp thu và khai thác tốt các tri thức bên ngoài liên quan đến sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của mình vừa hiểu rõ về tài sản trí tuệ đạt mức cao nhất (73,1%). Trong khi đó, tỉ lệ doanh nghiệp vừa có khả năng giành được khách hàng mới, mở rộng thị trường, tăng doanh thu từ khách hàng có sẵn vừa hiểu rõ về tài sản trí tuệ lại ở mức thấp nhất (63,7%). Điều này cho thấy, các doanh nghiệp có sự quan tâm đến tài sản trí tuệ có mức hiệu quả cao hơn hẳn trong các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Hội thảo Đào tạo và truyền thông về đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ trong các trường đại học

Dự án cũng tiến hành khảo sát 100 sinh viên các trường đại học về thực trạng và nhu cầu nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên. Theo khảo sát, có thể thấy hầu hết các trường đại học hiện nay chưa đưa môn đổi mới sáng tạo vào chương trình giảng dạy, chỉ có 6% ví dụ như trường Đại học kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội. Sinh viên cũng cho rằng nội dung môn đổi mới sáng tạo nên được xây dựng ngắn gọn và cô đọng nhất có thể, đồng thời muốn trải nghiệm thực tế nhiều hơn chỉ học lý thuyết suông. Đa phần sinh viên được hỏi đã nhận thấy vai trò của đổi mới sáng tạo và đánh giá rất cần thiết đưa vào giảng dạy trong thời gian tới. Đồng thời, cần cải thiện nhiều yếu tố như sự quan tâm của nhà trường, tính tương tác với doanh nghiệp, sự giúp đỡ của chuyên gia trong ngành.

Xây dựng nền tảng kiến thức

Sau thời gian 2 năm triển khai, dự án đã tạo nên được một diễn đàn kết nối các chuyên gia và sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm và tư vấn ứng dụng lý luận vào thực tiễn. Không chỉ vậy, dự án còn xây dựng được hệ thống và sử dụng các công cụ truyền thông xã hội về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, tạo sự tương tác gắn kết, cung cấp thông tin cho những người tham gia cộng đồng.

Theo đó, dự án đã triển khai tổ chức 30 khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ dành cho sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp.  hơn 1.000 cá nhân được cấp chứng nhận về tập huấn, bồi dưỡng kiến thức đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; tổ chức 17 Hội thảo về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ. Để nâng cao hiệu quả, tính bền vững của dự án, học viên các khóa đào tạo là các cán bộ, giảng viên nguồn tại các trường đại học, viện nghiên cứu, thủ lĩnh các câu lạc bộ sinh viên, thủ lĩnh (lãnh đạo) các câu lạc bộ doanh nghiệp, nhóm ngành nghề, hiệp hội,… sinh viên các trường đại học trong phạm vi thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp khởi nghiệp hướng tới thành viên của các hiệp hội khởi nghiệp, thành viên của các nhóm/câu lạc bộ khởi nghiệp…

Tùy vào nhóm đối tượng ở các lĩnh vực khác nhau sẽ tập trung nội dung trọng tâm cụ thể như sau: Khối đối tượng ngành công nghệ thông tin, nội dung tập huấn, bồi dưỡng kiến thức tập trung vào nhóm các đối tượng sở hữu trí tuệ liên quan đến chương trình máy tính, games, phần mềm, các ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, bản ghi âm, ghi hình sử dụng trong các chương trình máy tính. Nhóm đối tượng ngành kỹ thuật liên quan đến các ngành vật liệu mới, chế tạo máy móc, thiết bị: nội dung tập huấn, bồi dưỡng kiến thức tập trung sâu vào thông tin sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Nhóm đối tượng trong lĩnh vực y tế, dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, nội dung khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức tập trung vào các giải pháp kỹ thuật trong y tế, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe và chỉ dẫn thương mại.

Với nhóm đối tượng học viên ngành khoa học xã hội và kinh tế, nội dung tập huấn, bồi dưỡng kiến thức tập trung vào khía cạnh pháp lý của quyền sở hữu trí tuệ (hoạt động tư vấn, kỹ năng nộp, theo đuổi đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế) và khía cạnh quản trị tài sản trí tuệ, phát triển thương hiệu gắn với tài sản trí tuệ. Các cách thức khai thác giá trị quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kinh doanh. Với nhóm các đối tượng quan tâm đến giải trí, văn hóa, nghệ thuật, kinh doanh các sản phẩm nghệ thuật, các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức tập trung vào quyền tác giả và quyền liên quan đối với các tác phẩm văn hóa nghệ thuật.

Thông qua các hội thảo khoa học, các buổi tập huấn kiến thức, sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp và cộng đồng nói chung đã được tiếp cận với các thông tin về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ. Theo đó, hoạt động của dự án cũng là nơi kết nối giữa những người đang nắm giữ tài sản trí tuệ và bên có khả năng thương mại hóa các tài sản trí tuệ này, là nơi thúc đẩy tạo ra thị trường mua bán, trao đổi, chuyển giao các kết quả của hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung.

Ngay sau khi tiếp nhận những nội dung trong dự án, các cán bộ, giảng viên nguồn từ các trường đại học, viện nghiên cứu, thủ lĩnh các câu lạc bộ sinh viên tại các trường đại học, là những người có sự ảnh hưởng (tới một cộng đồng nhỏ thuộc phạm vi quản lý của mình) đã tiến hành triển khai các hoạt động tương tự tại nơi mình công tác. Do vậy, ngay cả khi dự án kết thúc, các hoạt động nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng vẫn tiếp tục được thực hiện nhờ vào các đối tượng thụ hưởng là những người có sự ảnh hưởng nhất định, tiếp tục triển khai các hoạt động trong dự án. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội cho các bạn sinh viên rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm qua việc giao lưu với nhiều sinh viên khác đến từ nhiều khối ngành khác nhau, giao lưu với doanh nghiệp, có cơ hội đồng hành với doanh nghiệp khi còn đang là sinh viên. Đồng thời, được cộng tác với các chuyên gia về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ của dự án cũng là cơ hội để sinh viên học hỏi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm.

Tận dụng truyền thông xã hội

Sự phát triển của khoa học công nghệ kéo theo sự phát triển của mạng xã hội đòi hỏi việc truyền thông phải rất linh động cả về mặt hình thức thể hiện và kênh truyền thông sử dụng. Lĩnh vực đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ là lĩnh vực tương đối trừu tượng, mặc dù thiết yếu đối với doanh nghiệp nhưng trong giai đoạn đầu doanh nghiệp chưa nhận thức được.

Để nâng cao uy tín và có sức lan tỏa tốt nhất đến cộng đồng, Công ty IPCom đã đưa ra đề xuất đồng hành thực hiện chương trình với Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam). Do vậy, truyền thông báo chí được thực hiện trên kênh báo chí chính thống (cơ quan ngôn luận chính thức của nhà nước Việt Nam). Hoạt động truyền thông báo chí chủ yếu được thực hiện bởi đơn vị phối hợp thực hiện dự án là Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam). Kết quả đạt được là hơn 100 bài báo so với chỉ tiêu phê duyệt trong thuyết minh là 20 bài báo.

Hệ thống các hoạt động truyền thông của Dự án

Hoạt động xây dựng và phát hành bản tin định kỳ về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp. Tin tức được sản xuất và xuất bản trong bản tin định kỳ về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ chú trọng đến các tin tức mà cộng đồng quan tâm ví dụ như tin về các thương hiệu nổi tiếng, các nghệ sỹ nổi tiếng có liên quan đến đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các sản phẩm là sự phân tích của chuyên gia về các vụ việc đang được xét xử, nhận được sự quan tâm của công chúng ví dụ như Thần Đồng Đất Việt, Tinh Hoa Bắc Bộ, tranh chấp quyền tác giả âm nhạc của các nghệ sỹ như Ed Sheeran, Taylor Swift, tranh chấp quyền tác giả giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và HBO, Google, Samsung và Apple, Qualcomm và Intel, tin tức về luật bản quyền châu Âu,…

Mỗi tuần, dự án gửi bản tin tuần tới khoảng 2.000 người theo danh mục email đăng ký nhận tin. Trung bình có khoảng 15 -20% số lượng người nhận email có mở email để tiếp nhận tin tức tương ứng với khoảng 400-500 cá nhân đọc tin tức được gửi định kỳ mỗi tuần. So sánh với tỷ lệ 5-10% lượng người nhận tin có mở tin tức ra đọc đối với một loại email marketing thông thường thì đây là một tỷ lệ cao, chứng tỏ mức độ quan tâm của công chúng đối với lĩnh vực đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ rất lớn.

Bên cạnh đó,dự án cũng xây dựng và vận hành Fanpage mạng xã hội về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ có địa chỉ tại: https://www.facebook.com/shtt.ftu/. Tin tức được đăng tải trên fanpage được cập nhật hằng tuần, với các tin tức được giới trẻ quan tâm về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ tại các công ty sở hữu các thương hiệu nổi tiếng thế giới, tin tức về quản trị tài sản trí tuệ, tranh chấp sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo đặc biệt tin tức đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ liên quan đến các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, trong lĩnh vực giải trí liên quan đến các ca sỹ, diễn viên nổi tiếng trên thế giới.

Fanpage có hơn 12.000.000 lượt like và theo dõi. Mỗi tin tức đăng tải trên fanpage có thể được truyền tải tới vài nghìn người (độ reach), trong đó, mỗi bài viết về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ đạt độ reach trung bình: 1.200 – 1.300 người. Cá biệt có những tin tức hoặc bài phân tích về vụ việc nóng đang dược sự quan tâm rộng rãi của truyền thông độ reach lên gần 4.000 người theo dõi.

Dự án giúp xác định và giải quyết một phần các vấn đề cấp bách của cộng đồng doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ bằng việc tạo ra một hiệu ứng sâu rộng trong nhận thức của sinh viên - những người sẽ trực tiếp tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp sau này, các doanh nghiệp khởi nghiệp về vai trò của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển của cá nhân, doanh nghiệp và xã hội, góp phần nâng cao được nhận thức của cộng đồng xã hội nói chung về vai trò của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong một nền kinh tế phát triển./.

http://www.noip.gov.vn/

Liên kết