Tạo mọi điều kiện hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là nguồn lực quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, lòng kiên trì, dũng cảm vượt qua khó khăn, thử thách để hướng tới thành công.

Ngày 12.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khai mạc ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (HS-SV) lần thứ 6, diễn ra tại Trường ĐH Cần Thơ. Ngày hội do Bộ GD-ĐT phối hợp T.Ư Đoàn và UBND TP.Cần Thơ tổ chức nhằm tiếp tục triển khai Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30.10.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ HS-SV khởi nghiệp đến năm 2025".

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu bấm nút khai mạc ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 6

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu bấm nút khai mạc ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 6

ĐÌNH TUYỂN

Góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia

Báo cáo với Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết sau 6 năm triển khai, Đề án "Hỗ trợ HS-SV khởi nghiệp đến năm 2025" đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục; góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Đến nay, ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HS-SV đã thu hút hơn 3.000 dự án khởi nghiệp, hơn 4.000 ý tưởng khởi nghiệp với hơn 20.000 HS-SV tham gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan gian hàng của sinh viên tại ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan gian hàng của sinh viên tại ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên

ảnh: DUY TÂN

Phát biểu tại hội nghị, anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cho rằng thực hiện Đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, nhất là HS-SV; đồng thời góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

"Theo khảo sát được T.Ư Hội Sinh viên VN thực hiện năm 2023 đối với gần 30.000 SV trên cả nước, có gần 19% mong muốn được khởi nghiệp sau khi ra trường; gần 20% chọn hình mẫu hướng đến là "Người khởi nghiệp", dẫn đầu so với các hình tượng khác. Các số liệu trên cho thấy khởi nghiệp đang là xu hướng lớn được SV cả nước quan tâm", anh Huy nói.

Cũng theo Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, thời gian qua T.Ư luôn xác định việc đồng hành với đoàn viên, thanh niên trong khởi nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong đoàn viên là HS-SV. Từ đó, nhiều chương trình, hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã được triển khai hiệu quả, như: cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn; cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên"; cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp SV"; liên hoan "Tuổi trẻ sáng tạo và khởi nghiệp"; chương trình "Chắp cánh SV khởi nghiệp"… Đặc biệt, Đoàn đã tham mưu Chính phủ ban hành chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030" tạo cơ chế để đoàn thanh niên và các bộ ngành chức năng phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong giai đoạn mới.

Tự hào với phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực và nguồn lực quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Muốn có khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thì phải có con người đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, lòng kiên trì và sự dũng cảm vượt qua khó khăn, thử thách để hướng tới thành công. "Muốn đổi mới sáng tạo thì phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận đầu tư, và không thể quá cầu toàn", Thủ tướng nói.

Anh Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, phát biểu tại ngày hội

Anh Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, phát biểu tại ngày hội

ảnh: ĐÌNH TUYỂN

Thủ tướng vui mừng trước những kết quả mà Đề án "Hỗ trợ HS-SV khởi nghiệp đến năm 2025" đạt được. Đặc biệt, các hoạt động, dự án khởi nghiệp của HS-SV đều dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, dựa vào nhu cầu thị trường, dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, đi vào các vấn đề khó khăn, thách thức để đưa ra các giải pháp hóa giải, tháo gỡ…

"Đặc biệt, chúng ta tự hào có nhiều HS-SV VN đã đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học ở trong nước, nước ngoài và được tuyển dụng làm việc tại các tập đoàn, công ty công nghệ lớn của thế giới như Facebook, Space X, Google, Quora…", Thủ tướng nói.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế, khó khăn, thách thức cần phải vượt qua như hệ sinh thái khởi nghiệp còn thiếu sự gắn kết; các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đối với HS-SV triển khai còn chậm. Hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục ĐH chưa đi vào chiều sâu; tâm lý ngại rủi ro vẫn còn trong cả đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục, chuyên gia và ngay trong HS-SV…

Theo Thủ tướng, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ tới tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, tất cả quốc gia, khu vực. Đây là thách thức, nhưng cũng chính là cơ hội, nếu chúng ta khai thác tốt các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, của từng ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương…

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cùng các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả "1 đẩy mạnh; 2 tăng cường; 3 kết nối; 4 tập trung; 5 khuyến khích".

Theo đó, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên, HS-SV không ngừng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Tăng cường liên kết giữa các trường ĐH, CĐ với các trung tâm nghiên cứu giúp HS-SV nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm mẫu, tạo sự gắn kết giữa các nhóm ngành nghề...

Về kết nối đó là kết nối các trung tâm hỗ trợ SV khởi nghiệp với nhau; hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Kết nối các địa phương với các trường ĐH trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển các dự án khởi nghiệp trên tinh thần giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương. Kết nối giáo dục khởi nghiệp từ phổ thông lên các bậc học cao hơn thành những nội dung, chương trình xuyên suốt...

Cuối cùng là "khuyến khích": Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị sử dụng các sản phẩm được hình thành từ các dự án khởi nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng không gian trải nghiệm, sáng tạo khởi nghiệp, gắn học đi đôi với hành... Khuyến khích HS-SV, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa được các sản phẩm nghiên cứu.

Khuyến khích cán bộ giảng viên, đoàn viên thanh niên tích cực chủ động đổi mới sáng tạo, có tư duy mới, cách nghĩ mới, cách làm mới để tạo ra giá trị mới, tham gia các hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo, giúp đỡ lẫn nhau.

Nhắn nhủ với thế hệ tương lai của đất nước, Thủ tướng nói: "Các cháu hãy luôn mang trong mình tinh thần quyết tâm: Nuôi dưỡng ý tưởng; thổi bùng đam mê; quyết tâm, kiên trì; đương đầu thách thức, chấp nhận rủi ro, lập nghiệp thành công, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước thân yêu ngày càng văn minh, giàu đẹp".

Hơn 700 dự án khởi nghiệp tại ngày hội năm 2024

Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HS-SV lần thứ 6 sẽ diễn ra đến hết ngày 13.5 với các hoạt động chính: Diễn đàn kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường ĐH, CĐ; Diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho HS-SV; Chung kết cuộc thi "HS-SV với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ 6; Hoạt động giao lưu, trình diễn công nghệ cao giữa các đoàn tham dự ngày hội.

 

https://thanhnien.vn/tao-moi-dieu-kien-ho-tro-hoc-sinh-sinh-vien-khoi-nghiep-185240512214606386.htm

Liên kết