Thanh Hóa: Ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi gia cầm

Hệ thống chuồng trại được đầu tư hiện đại, tự động hóa, quy trình chăn nuôi khép kín, con giống được lai tạo, tuyển chọn chất lượng… là những ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi gia cầm đã và đang được doanh nghiệp, HTX, các hộ chăn nuôi đẩy mạnh áp dụng. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phòng chống dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi.

 

Chị Đặng Thị Thanh, chủ trang trại chăn nuôi gà xã Nga Bạch (Nga Sơn) đầu tư mua máy phối trộn thức ăn để giảm chi phí lao động, nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi.

 

Cụm trang trại chăn nuôi tập trung xã Nga Bạch (Nga Sơn) có 11 trang trại nuôi gà được quy hoạch, đầu tư hiện đại với tổng đàn lớn. Tại đây, hầu hết các trang trại chăn nuôi gà đều chú trọng áp dụng khoa học – kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư máy móc, hiện đại hóa quy trình sản xuất để giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng con nuôi. Tại trang trại của gia đình chị Đặng Thị Thanh, trước đây, khi chưa đầu tư máy móc hiện đại, chị phải thuê khá nhiều nhân công để cho gà ăn, trộn thức ăn thủ công, vệ sinh chuồng trại… nhất là mỗi khi vào mùa hè, chị luôn đứng trước nỗi lo khi nhiệt độ quá cao làm ảnh hưởng đến sức khỏe con nuôi. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, chị Thanh đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư các loại máy móc hiện đại để hỗ trợ sản xuất.

 

Chị Thanh cho biết: “Trang trại của gia đình tôi có 3 ô chuồng để nuôi gối đầu và để phân loại gà theo tháng tuổi, mỗi ô chuồng đều được xây dựng kiên cố, mái che được thiết kế cách nhiệt, giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định theo mùa. Để hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, ở mỗi chuồng đều độn trấu đã được rắc vôi và phun khử trùng, tiêu độc thường xuyên, nuôi gà trên đệm lót sinh học không phải quét dọn phân, thay chất độn chuồng trong suốt quá trình nuôi nên giảm tối đa công lao động quét dọn”. Cũng theo chị Thanh, để hạn chế tối đa rủi ro trong mùa nóng, chị đã đầu tư lắp đặt hệ thống làm lạnh, quạt thông gió, máy nổ… và hệ thống máng nước, cho ăn đều tự động để giảm công lao động, hạn chế thức ăn rơi vãi ra nền chuồng, đảm bảo được yêu cầu phòng chống dịch; nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm chuồng nuôi được điều khiển tự động và điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của đàn gà. Trước khi vào trại gà, công nhân phải trải qua bước khử trùng nhằm loại bỏ vi khuẩn gây bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt các kỹ thuật như tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, nhất là trong thời tiết nắng nóng dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia cầm.

 

Tại huyện Thọ Xuân, một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển chăn nuôi gà với tổng đàn gà lông màu hơn 700 nghìn con, người dân đã có ý thức trong việc đầu tư phát triển các trang trại quy mô lớn, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất. Tại các khu chăn nuôi tập trung, người chăn nuôi không những mạnh dạn đầu tư các loại máy móc như máng ăn, uống tự động, quạt gió… mà đối với những trang trại với quy mô lớn, công suất khoảng 10.000 con đã ứng dụng công nghệ hiện đại như lò ấp trứng tự động để đảm bảo chất lượng con giống; thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống điện chiếu sáng được kết nối với điện thoại thông minh để có thể chủ động điều khiển toàn bộ quy trình sản xuất ở bất cứ đâu. Từ đó, người chăn nuôi đã tiết kiệm được nhiều thời gian trong quy trình chăm sóc gà mái đẻ mà vẫn đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng chăn nuôi cũng như nhiệt độ của các máy ấp nở chính xác ở mức gần như tuyệt đối. Qua đó, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế thị trường. Với việc chủ động đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi nên hầu hết các sản phẩm tại các trang trại chăn nuôi gia cầm đều có đầu ra ổn định, có hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lâu dài với các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Nông sản Phú Gia, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam…

 

Tuy nhiên, hiện nay, tại các địa phương có tổng đàn gia cầm lớn như Yên Định, Nga Sơn, Thọ Xuân… việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong các trang trại chăn nuôi vẫn còn hạn chế do thiếu nguồn vốn để đầu tư sản xuất, đào tạo lao động. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với mức độ đầu tư… Vì vậy, tại các địa phương, để người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, cần có những chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để phát triển chăn nuôi hiện đại, theo chuỗi khép kín. Bên cạnh sự chủ động đầu tư của người dân, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học – công nghệ trong chăn nuôi, hướng dẫn người dân áp dụng và mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư chuồng trại khép kín, tạo điều kiện về đất đai xây dựng chuồng trại, hình thành vùng chăn nuôi tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi nhằm xây dựng chuỗi liên kết giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

 

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn: báo Thanh Hóa

Liên kết