Dừa tươi, bơ, na, roi, hoa quả có múi và trái cây đông lạnh sẽ là những nông sản Việt tiếp theo được Trung Quốc thúc đẩy mở cửa thị trường.
Tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 13/12 nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, phía Trung Quốc cho biết sẽ mở thị trường cho nhiều loại nông sản tiềm năng của Việt Nam, gồm dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi của Việt Nam xuất sang nước này.
Các mặt hàng khác như dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt bò, thịt heo, sản phẩm từ gia súc, gia cầm cũng được nước láng giềng tạo điều kiện nhập khẩu.
Ngược lại, Việt Nam sẽ tăng nhập cá tầm từ Trung Quốc, trao đổi và thúc đẩy lĩnh vực, nghề liên quan phát triển lành mạnh.
Ba năm qua Việt Nam chú trọng nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản, nên sản lượng các mặt hàng nhóm này xuất sang Trung Quốc tăng vọt. 10 tháng, Trung Quốc chi hơn 3,2 tỷ USD nhập rau quả từ Việt Nam, đưa kim ngạch nhập nông sản lên con số kỷ lục, trên 7,5 tỷ USD.
Tính chung nông sản Việt xuất sang Trung Quốc chiếm hơn 10% thị phần tại nước này. Trong đó, sầu riêng Việt góp thị phần lên 25%, xoài trên 10% tại đây.
14 loại nông sản, trong đó 9 mặt hàng trái cây được xuất chính ngạch (thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, sầu riêng) đem lại doanh thu tỷ USD.
Dưa hấu là loại trái cây tiếp theo sẽ được nhập chính ngạch vào Trung Quốc, theo Nghị định thư ký giữa hai nước nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.
Một số nông sản chiếm tỷ trọng cao trong "rổ" hàng xuất sang Trung Quốc. Đồ hoạ: Đỗ Nam
Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 235 tỷ USD năm 2022, gấp hơn 4 lần so với 2014.
Trong tuyên bố chung hôm nay hai nước cũng nhất trí áp dụng các biện pháp để mở rộng quy mô thương mại song phương cân bằng, bền vững. Các biện pháp đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa, thí điểm cửa khẩu thông minh tại các cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, Hữu Nghị để tăng hiệu suất thông quan cũng được hai nước đồng thuận thúc đẩy.
Nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh sẽ là những lĩnh vực công nghiệp mới được hai nước thúc đẩy đầu tư, hợp tác.
Việt Nam khuyến khích, ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín, công nghệ tiên tiến sang đầu tư, và ngược lại trong các lĩnh vực mỗi nước có nhu cầu, chiến lược phát triển, theo Tuyên bố chung.
Các dự án dùng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc, như dự án xây mới cơ sở 2 Bệnh viện Y dược cổ truyền, sẽ được đẩy nhanh triển khai.
Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí tăng hợp tác song phương, đa phương trong lĩnh vực khoáng sản then chốt trên nguyên tắc thị trường và tinh thần thực chất, bền vững, bảo đảm an ninh chuỗi sản xuất, cung ứng năng lượng.
Nguồn: https://vnexpress.net/them-nhieu-nong-san-viet-rong-cua-vao-trung-quoc-4688484.html?gidzl=lls48R8VeX-nuuKZkmEb6BRXXIUYKFSL-Rg3UF9Uf1Mgl80hfrdmGQcvtodsNAmNzE-DBsKwqXOBjHoW60