Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, ngành dệt may ngày càng chịu sự chi phối của các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn và tính bền vững trong sản xuất. Những tiêu chuẩn này không chỉ đóng vai trò như công cụ kiểm soát chất lượng, mà còn là thước đo cho sự hội nhập quốc tế của doanh nghiệp dệt may.
Trong xu thế phát triển bền vững và tiêu dùng có trách nhiệm, các tiêu chuẩn quốc tế như Global Organic Textile Standard (GOTS) và Global Recycled Standard (GRS) đang đóng vai trò thiết yếu trong ngành dệt may toàn cầu. Hai chứng nhận này không chỉ phản ánh cam kết của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội, mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
GOTS là tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về dệt may hữu cơ. Được phát triển nhằm đảm bảo tính minh bạch và toàn vẹn của chuỗi cung ứng dệt may hữu cơ, GOTS quy định nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào đến quy trình chế biến, đóng gói, ghi nhãn và phân phối. Một sản phẩm được chứng nhận GOTS bắt buộc phải chứa ít nhất 70% sợi hữu cơ được trồng không sử dụng hóa chất tổng hợp, phân bón hóa học hay giống biến đổi gen. Ngoài ra, quy trình sản xuất phải đáp ứng các tiêu chí về xử lý nước thải, sử dụng hóa chất an toàn và điều kiện lao động công bằng, không sử dụng lao động trẻ em hoặc cưỡng bức.

Tiêu chuẩn GOTS và GRS đang trở thành công cụ yêu cầu doanh nghiệp cần có để vươn ra thị trường quốc tế
Trong khi đó, GRS là tiêu chuẩn quốc tế dành cho sản phẩm dệt tái chế, với mục tiêu xác minh nội dung tái chế trong sản phẩm và đảm bảo quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chí môi trường, xã hội và hóa chất. Sản phẩm đạt chứng nhận GRS phải chứa ít nhất 20% vật liệu tái chế, nhưng để được gắn nhãn, tỷ lệ này thường phải từ 50% trở lên. GRS cũng yêu cầu kiểm soát hóa chất nghiêm ngặt, minh bạch chuỗi cung ứng và điều kiện làm việc an toàn, tôn trọng quyền lao động.
Cả hai tiêu chuẩn GOTS và GRS đều yêu cầu đánh giá định kỳ bởi bên thứ ba độc lập, giúp đảm bảo tính khách quan và minh bạch trong toàn bộ chuỗi giá trị. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản – nơi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc và tác động của sản phẩm họ sử dụng.
Có thể nói, GOTS và GRS không chỉ là công cụ khẳng định chất lượng và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp dệt may, mà còn là chìa khóa giúp ngành công nghiệp này chuyển dịch sang mô hình sản xuất xanh, sạch và bền vững hơn trong tương lai.
Nguồn: https://tcvn.gov.vn