Tìm giải pháp thúc đẩy công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo

Ngày 14/12 tại Hà Nội, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) phối hợp cùng Trường Đại học Phenikaa tổ chức Hội nghị Quốc gia lần thứ XXVII về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin (REV-ECIT 2024) với sự bảo trợ từ Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin, truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ thông tin về “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050”. Ảnh: TTXVN

Hội nghị năm nay mang chủ đề “Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo”, thu hút sự tham gia của khoảng 300 nhà khoa học từ hơn 60 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học trên cả nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, trong thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai hiệu quả “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” với nhiều giải pháp và nhiệm vụ cụ thể.

Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số, các cơ sở đào tạo, nhà khoa học và nghiên cứu viên cùng nhau xây dựng kế hoạch để hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp bán dẫn của quốc gia.

Trong chiến lược này, các hoạt động nghiên cứu, thiết kế và sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng được ưu tiên, song song với việc phát triển chuyển đổi số và thiết bị IoT thông minh nhờ trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, các nghiên cứu khoa học cần hướng tới giải quyết những vấn đề cụ thể trong thực tế để tạo ra giá trị hữu ích cho nền kinh tế và xã hội, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời kỳ hội nhập.

Việc đào tạo nguồn nhân lực và thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn cũng được chú trọng, với mục tiêu biến Việt Nam thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030. Dự kiến sẽ có 50.000 nhân lực trong lĩnh vực này, bao gồm 5.000 chuyên gia được đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo. Các bên liên quan cần phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, cũng như tăng cường hợp tác để triển khai các chương trình đào tạo và nghiên cứu.

Ban tổ chức hội nghị đã tiếp nhận gần 160 bài báo và công trình khoa học của khoảng 480 tác giả từ các trường đại học và viện nghiên cứu trên cả nước. Sau quá trình phản biện chặt chẽ, có 128 công trình được chọn để trình bày và in trong kỷ yếu hội nghị, đóng góp quan trọng cho lĩnh vực điện tử và viễn thông.

Theo Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam Trần Đức Lai, phần lớn các bài báo khoa học năm nay được trình bày dưới dạng poster, với tổng số 81 bài, bên cạnh các bài thuyết trình và trao đổi cá nhân. Ngoài ra, có 47 báo cáo được chia thành 6 tiểu ban và 2 tiểu ban đặc biệt tập trung vào công nghệ vi mạch và trí tuệ nhân tạo cùng các ứng dụng thực tiễn.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp và kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Ban tổ chức hội nghị cũng chúc mừng một Nhà giáo Ưu tú, 2 Giáo sư và 17 Phó Giáo sư trong lĩnh vực điện tử và viễn thông vừa được công nhận đạt chuẩn chức danh. Đây là những cá nhân đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/

Liên kết