Tỉnh Hưng Yên: Khởi sắc từ thực hiện Chương trình cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Toàn tỉnh Hưng Yên đã có 83 xã được công nhận xã đạt nông thôn mới nâng cao, bằng 59,7% số xã; 19 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Giai đoạn 2021-2022, triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 - NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX về Chương trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức; song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức đồng lòng, quyết tâm của người dân đã tạo nên bức tranh kinh tế của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Hưng Yên: Khởi sắc từ thực hiện Chương trình cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa - Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Phù Cừ

 

 

Điểm nhấn trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên thời gian qua là sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp hàng năm đều giảm (bình quân mỗi năm giảm khoảng 1.000ha) nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng trưởng ở mức cao, bình quân giai đoạn 2021-2022 đạt 2,66%/năm; cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị kinh tế cao (đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 18.990ha trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao).

Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bước đầu đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh; các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Lúa chất lượng cao, rau an toàn, trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ… giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác đạt trên 230 triệu đồng/ha, tăng trên 20 triệu đồng/ha so với năm 2020.

Năng suất, sản lượng một số cây trồng tăng cao so với năm 2020, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho người dân nông thôn. Chăn nuôi phát triển mạnh, sản lượng thịt hơi các loại tăng cao; thủy sản tiếp tục tăng trưởng; chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nên không phát sinh dịch bệnh lớn ảnh hưởng đến sản xuất. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất,… Công tác xúc tiến thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm,… được thực hiện tốt, đảm bảo cho sản xuất và yêu cầu kế hoạch đặt ra.

Tỉnh Hưng Yên: Khởi sắc từ thực hiện Chương trình cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Những kết quả đạt được trong tái cơ cấu nông nghiệp đã trực tiếp góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 83 xã được công nhận xã đạt nông thôn mới nâng cao, bằng 59,7% số xã; 19 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, kết hợp nhà nước và nhân dân cùng làm, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, đời sống của người dân. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, phát triển theo hướng hiện đại, xanh - sạch - đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được nâng lên. Hệ thống chính trị ở nông thôn hoạt động ngày càng hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững.

Xác định thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững, thời gian tới, các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần chung sức đồng lòng, nỗ lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 09/NQ-TU.

Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau: Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Song song với đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh Hưng Yên tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng; tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò quản lý của các cấp chính quyền và sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành, nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho cơ sở, địa phương giải quyết nhanh các yêu cầu về đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ đó tạo nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững./.

Đăng Hinh

Nguồn: https://congthuong.vn/tinh-hung-yen-khoi-sac-tu-thuc-hien-chuong-trinh-co-cau-nganh-nong-nghiep-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-259918.html

Liên kết