Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 được đánh giá là kế hoạch có tính chất tổng quát bao phủ lên các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, trực tiếp coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực để thúc đẩy năng suất.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 36/QĐ/TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030.
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để làm rõ hơn về quá trình xây dựng, những điểm cốt lõi cũng như các giải pháp thực hiện Kế hoạch này, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã có cuộc phỏng vấn với TS Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.
Liên quan tới Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt, xin ông cho biết, xuất phát từ ý tưởng nào mà ông đề xuất với APO xây dựng lên kế hoạch này?
Vào tháng 4/2019 tôi cùng với đoàn Việt Nam sang tham dự họp Hội nghị cấp cao của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) tổ chức tại Philippines. Tại đây, tôi được biết đến dự án xây dựng kế hoạch năng suất cho các nền kinh tế thành viên. Đây là một dự dán lớn của APO.
APO khi đó cũng đã hỗ trợ cho một số nước thành viên triển khai dự án này. Lúc đó, chúng tôi có suy nghĩ rằng tại sao Việt Nam không có một kế hoạch tổng thể về năng suất. Ngay sau đó, chúng tôi cũng đã trao đổi ý tưởng này với các chuyên gia của APO. Không chỉ các chuyên gia, ý tưởng này cũng được cả Tổng thư ký của APO ủng hộ. Đây cũng chính là cơ sở để Việt Nam đề xuất APO hỗ trợ xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất.
TS Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Tại Chỉ thị số 07, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN (mà đầu mối trực tiếp là Tổng cục TCĐLCL) triển khai Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo quan điểm của ông, đây có phải là một nhiệm vụ khó khăn hay không?
Khi nhận được nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, chúng tôi cũng nhận thấy được đây là một nhiệm vụ khó khăn. Bởi như chúng ta đã biết, sau hơn 30 năm đổi mới Việt Nam cũng đã dịch chuyển được lực lượng lao động từ các khu vực nông nghiệp sang khu vực khác.
Tuy nhiên, dư địa tăng năng suất dựa trên vốn và lao động không còn nữa. Theo cơ cấu của năng suất, chúng ta còn có thể tăng năng suất nhờ vào khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thế nhưng việc làm sao để chúng ta có một bản kế hoạch khả thi và có tính chất tổng quát bao phủ lên các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam để trực tiếp coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực để thúc đẩy năng suất trong giai đoạn tới là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên chúng tôi cũng có thuận lợi là nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia APO, các chuyên gia của KDI và một số chuyên gia khác. Mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 căng thẳng, chúng tôi vẫn tổ chức tọa đàm trực tuyến thường xuyên với các chuyên gia.
Đặc biệt hơn, quá trình xây dựng dự thảo kế hoạch cũng đã nhận được sự đóng góp ý kiến của hơn 100 cá nhân và tổ chức. Do đó, đây cũng chính là thuận lợi lớn của chúng tôi trong việc xây dựng kế hoạch. Sau đó, dự thảo đã được trình Thủ tướng và có sự tham gia góp ý của các bộ ngành, các tổ chức, các cá nhân. Qua đây chúng tôi cũng rất cảm ơn các Bộ, ngành, các tổ chức đặc biệt là APO và KDI đã hỗ trợ cho Tổng cục TCĐLCL thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao.
Xin ông cho biết nội dung chính của kế hoạch và phương pháp, cách thức triển khai kế hoạch này ở Việt Nam trong thời gian tới?
Ngay trong năm qua, Kế hoạch đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg. Về nội dung chính của Kế hoạch, đầu tiên là chúng ta phải hoàn thiện thể chế chính sách thúc đẩy các hoạt động năng suất tại Việt Nam.
Thứ hai chúng ta phải quan tâm tới hoạt động đào tạo chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh việc chúng ta thực hiện các hoạt động đào tạo cho doanh nghiệp, đào tạo cho các bộ ngành, cơ quan quản lý thì một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là chúng ta thực hiện các dự án, chương trình đào tạo trong các trường đại học, trường cao đẳng và trường nghề.
Thứ ba là phải xây dựng các phong trào năng suất tại các tập đoàn, tổng công ty để đóng vai trò dẫn dắt hoạt động năng suất tại Việt Nam.
Thứ tư là phải làm sao để chúng ta thực hiện được mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với các doanh nghiệp FDI nước ngoài thông qua việc nâng cao tiềm lực, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Để triển khai chương trình này, chúng tôi nghĩ rằng, đây thực chất là một chương trình mang tính chất xây dựng thể chế. Kế hoạch đặt ra mục tiêu là 30 tỉnh thành có kế hoạch chi tiết để triển khai năng suất và phương pháp mà chúng tôi định áp dụng chính là phương pháp KDI áp dụng để đánh giá tổng thể ở Việt Nam. Tổng cục và VNPI cũng sử dụng phương pháp này để áp dụng đánh giá hoạt động năng suất của các địa phương của Việt Nam.
Cùng với đó, chúng ta sẽ phấn đấu có từ 10-12 tập đoàn tổng công ty xây dựng được các phong trào năng suất. Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra một phong trào năng suất ở Việt Nam và đây chính là mục tiêu khó khăn mà chúng cần phải thực hiện.
Phong trào năng suất phải là phong trào thực sự để giúp cho hoạt động năng suất, tư duy năng suất, tư duy cải tiến có trong mỗi người dân, có trong mỗi doanh nghiệp, có trong mỗi cơ quan của chính phủ.
Đó cũng chính là cách thức mà chúng tôi, Bộ KH&CN, Tổng cục TCĐLCL sẽ phối hợp tập đoàn, tổng công ty, các địa phương, các trường đai học cũng như các cá nhân tổ chức khác để triển khai kế hoạch năng suất trong 10 năm tới. Trong giai đoạn triển khai sắp tới, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của KDI và APO.
Bộ Khoa học và Công nghệ giữ vai trò chủ trì
Trong Quyết định 36/QĐ-TTg, Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành lồng ghép, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hằng năm để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất; hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch năng suất trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ năm 2021.
Hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Hằng năm, tổng hợp kinh phí sự nghiệp khoa học thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch gửi Bộ Tài chính (đối với nhiệm vụ sử dụng kinh phí chi thường xuyên) và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư phát triển).
Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường năng suất gắn với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cấp nền kinh tế, ngành kinh tế, địa phương và doanh nghiệp, hoàn thành vào năm 2022.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hoàn thành vào năm 2022; định kỳ hằng năm cập nhật, bổ sung thông tin, dữ liệu.
Xây dựng và công bố trong nước và quốc tế báo cáo năng suất Việt Nam hằng năm; xây dựng, hình thành tạp chí chuyên ngành về năng suất, hoàn thành trong năm 2022.
Tổ chức sơ kết thực hiện Kế hoạch vào năm 2025 và tổng kết thực hiện Kế hoạch vào năm 2030. Chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này.
|