Bình Định - Các nhà khoa học ứng dụng công nghệ DNA để xác định mã gene của cây dừa nước nhằm phục hồi và phát triển rừng ngập mặn Cồn Chim.
Đây là kết quả đề tài nghiên cứu "Bảo tồn nguồn gene Dừa nước (Nypa fruticans) nhằm phục hồi rừng ngập mặn, phục vụ du lịch sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bình Định" do Trung tâm Thông tin - Ứng dụng Khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định chủ trì.
Trong nghiên cứu, công nghệ DNA đã được ứng dụng để xác định chính xác mã gene của loài dừa nước, tạo cơ sở khoa học cho việc bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cồn Chim - nơi được xem là lá phổi xanh của tỉnh.
Những cây dừa nước con được ươm trồng từ quả giống cây cổ thụ tuyển chọn trên đầm Thị Nại. Ảnh: Thảo Chi
Nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu lá dừa nước tại ba điểm khác nhau thuộc huyện Tuy Phước để nghiên cứu DNA. "Chúng tôi đã sử dụng hai chỉ thị gene là matK và rbcL để xác định chính xác đặc điểm di truyền của loài dừa nước tại địa phương" - ông Nguyễn Đại Hiệp, một thành viên nhóm nghiên cứu nói.
Kết quả phân tích cho thấy các mẫu dừa nước tại Bình Định có độ tương đồng 100% với loài Nypa fruticans trong ngân hàng gene quốc tế geneBank. Đặc biệt, nghiên cứu cũng chỉ ra sự tương đồng cao về mặt di truyền giữa các mẫu thu thập từ ba địa điểm khác nhau tại xã Phước Hòa, Phước Thắng và Phước Sơn.
Hiện có rất ít nghiên cứu về đặc điểm di truyền của cây dừa nước. "Chúng tôi đang đăng ký công bố dữ liệu mã vạch DNA dừa nước trên geneBank. Điều này giúp chúng tôi có thể giám sát các quần thể dừa nước, phát hiện sớm những biến đổi bất thường và có biện pháp bảo vệ kịp thời", ông Hiệp nói.
Một góc rừng ngập mặn Cồn Chim - Đầm Thị Nại với hàng dừa nước mới phục hồi gần đây xen lẫn những cây bần, đước lâu năm. Ảnh: Thảo Chi
Dự án cũng áp dụng cả hai phương pháp ươm giống tiên tiến là invivo và invitro để tạo ra những cây giống khỏe mạnh, có khả năng thích nghi tốt với môi trường. "Chúng tôi đang hoàn thiện quy trình ươm giống dừa nước bằng các phương pháp tiên tiến invivo và invitro. Trước đó chưa có quy trình nào tại Việt Nam được xây dựng và công bố", bà Lê Thị Mỹ Thảo chủ nhiệm dự án cho biết. Các cây giống được tạo ra từ quy trình này sẽ được trồng phân tán tại nhiều địa điểm khác nhau trong hệ sinh thái rừng ngập mặn Cồn Chim, tạo thành một mạng lưới rừng dừa nước bảo vệ môi trường sinh thái.
Là loài cây ngập mặn bản địa tại Cồn Chim và đầm Thị Nại, cây dừa nước đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Tại Bình Định, loài cây này phân bố chủ yếu tại khu vực đầm Thị Nại và vùng cửa sông các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng thuộc huyện Tuy Phước.
Cồn Chim - lá phổi xanh của Bình Định. Ảnh: Dũng Nhân
Những cánh rừng dừa nước không chỉ là lá chắn tự nhiên chống biến đổi khí hậu và xói lở, tạo môi trường sống đa dạng cho vi sinh vật, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
Cây dừa nước đang mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Các sản phẩm phụ từ cây có thể được chế biến thành thực phẩm và hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo. Đặc biệt, những cánh rừng dừa nước còn là điểm nhấn cho phát triển du lịch sinh thái tại đầm Thị Nại.
Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định đánh giá việc bảo tồn gene dừa nước là bước đi quan trọng trong chiến lược phục hồi hệ sinh thái đất ngập mặn của tỉnh. Thành công của việc ứng dụng công nghệ DNA trong bảo tồn dừa nước tại Bình Định mở ra triển vọng áp dụng phương pháp này cho nhiều loài cây quý hiếm khác, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương.
Nguồn: https://vnexpress.net/