Nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP.HCM áp dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc mai, ứng dụng các nền tảng mạng xã hội để đưa mai đến người chơi khắp cả nước.
Hiện xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) có hơn 600ha trồng mai, với hơn 500 hộ tham gia sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Từ năm 2000, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã chuyển đổi từ cây trồng giá trị kinh tế không cao như khóm, mía, riềng... sang trồng cây mai vàng để có thể chống chọi với thời tiết, thổ nhưỡng nhiễm phèn nặng. Sự chuyển đổi này đã góp phần giúp ngườ dân nơi đây cải thiện thu nhập, ổn định đời sống. Nhiều nông dân xã Bình Lợi đã trở thành tỷ phú từ cây mai vàng.
Nhắc đến mai vàng Bình Lợi, giới sành chơi mai trên khắp cả nước đều biết đến. Người dân trồng mai tại Bình Lợi liên tục cập nhật những kỹ thuật mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc mai, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau làm giàu. Cây mai vàng đã trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của xã Bình Lợi và còn nhiều tiềm năng.
Điển hình là anh Trương Nguyễn Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây mía sang cây mai vàng. Ban đầu từ diện tích 1ha, anh đã nâng lên diện tích 3ha, tạo công ăn việc làm cho 27 lao động, trong đó 7 lao động thường xuyên.
Anh Hòa cho biết, thường xuyên tham gia các buổi tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, tạo dáng mai vàng, kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do Sở NN-PTNT TP.HCM, Hội Nông dân xã, huyện và Thành phố tổ chức. Đồng thời tham quan các mô hình trồng mai, từ đó rút ra kinh nghiệm cho riêng mình.
Ngoài ra, anh Hòa cũng mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất như áp dụng các phương pháp trồng hiện đại, sử dụng phân bón hữu cơ, hệ thống tưới tiêu tự động, kiểm soát sâu bệnh bằng phương pháp sinh học giúp giảm chi phí.
3 năm liền (2021 - 2023), anh Trương Nguyễn Hòa (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương và Thành phố. Năm 2024, anh được vinh danh là 1 trong 17 nông dân tiêu biểu cấp Thành phố. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Với sự nhạy bén, anh Hòa còn ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hình ảnh thương hiệu và quảng bá sản phẩm mai vàng Bình Lợi trên các nền tảng mạng xã hội như như youtube, facebook, zalo. Từ đó, có thể tiếp cận với người tiêu dùng một cách nhanh chóng và thuận tiện trong việc trao đổi mua bán, mở rộng khách hàng.
Mỗi năm, vườn mai của anh Hòa cung cấp hơn 1.000 cây mai giống cho bà con. Ngoài ra anh còn cung cấp mai chậu, bonsai, cho thuê mai vào mỗi dịp Tết.... mang lại doanh thu khoảng 2,1 tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí lợi nhuận đạt 1,2 tỷ đồng/năm từ cây mai.
Để hạn chế việc sử dụng phân bón, anh Hòa ủ phân hữu cơ từ phân gà để bón cho cây mai, hạn chế sử dụng phân hóa học góp phần bảo vệ môi trường, giảm chi phí.
Tương tự, anh Bùi Ngọc Đức, chủ vườn mai Hữu Đức cũng là một trong những người có nhiều năm kinh nghiệm trồng mai. Thời gian gần đây, anh cũng bắt đầu tự mày mò học cách quay, dựng video để hướng dẫn kỹ thuật trên facebook, tiktok nhằm quảng bá vườn mai của mình.
"Không như trước đây, khách hàng phải đến tận vườn xem và mua cây, bây giờ nhờ công nghệ, khách chỉ cần gọi video call qua zalo, facebook là có thể lựa được cây mai như ý và chúng tôi vận chuyển tới tận nơi", anh Đức nói.
Nông dân xã Bình Lợi tự tin livestream bán hàng trên các trang mạng xã hội. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh mai vàng không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định công nhận làng mai xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) là làng nghề với nhiều chính sách ưu đãi để phát triển ngành nghề nông thôn. Cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị, chính quyền địa phương và sự mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của nông dân, cây mai vàng Bình Lợi sẽ ngày càng phát triển và trở thành một trong những làng nghề có tiếng của TP.HCM.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/