Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng lực kiểm toán

Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc xây dựng Chiến lược phát triển ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) một cách toàn diện, bài bản và khả thi là rất cần thiết, nhằm bắt kịp xu thế và nâng cao năng lực kiểm toán.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc xây dựng Chiến lược phát triển ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) một cách toàn diện, bài bản và khả thi là rất cần thiết, nhằm bắt kịp xu thế và nâng cao năng lực kiểm toán.

Yếu tố cốt lõi cho phát triển

Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đến năm 2030 xác định có 3 trụ cột phát triển, bao gồm khuôn khổ pháp lý, nhân lực và công nghệ. Thời gian qua, KTNN đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động và đạt được những kết quả quan trọng.

Theo đó, KTNN đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và một số phần mềm nhằm xây dựng nền tảng cho các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán. KTNN đã đưa vào hoạt động gần 40 phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán; triển khai ứng dụng hỗ trợ điều hành trên thiết bị di động, qua đó giúp cán bộ, công chức xử lý, tra cứu văn bản, thông tin về hoạt động kiểm toán nhanh chóng, kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành; đồng thời giúp tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí cho các bên.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Ảnh minh họa. 

Trong bối cảnh chuyển đổi số, Phó Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành VII Phan Trường Giang cho rằng, Big Data và AI đã trở thành một phần không thể thiếu trong mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội; là yếu tố cốt lõi trong nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ hiện đại, trong đó có ngành kiểm toán.

Phân tích rõ hơn, ông Giang cho biết, Big Data bao gồm các loại dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc được tạo ra từ nhiều nguồn như các website, thiết bị di động, cảm biến, mạng xã hội và các nguồn khác. Các công nghệ và công cụ phân tích Big Data giúp xử lý, phân tích lượng thông tin khổng lồ một cách nhanh chóng, chính xác để đưa ra quyết định thông minh, hiệu quả. Việc sử dụng Big Data sẽ giúp kiểm toán viên và cơ quan kiểm toán nhanh chóng kiểm tra, phân tích dữ liệu từ hàng triệu giao dịch mỗi ngày, phát hiện sớm các rủi ro, sai sót có thể ảnh hưởng đến sự tin cậy trong báo cáo tài chính của tổ chức, doanh nghiệp.

AI là khả năng của máy tính hoặc hệ thống máy tính thông minh học và thực hiện các nhiệm vụ mà trước đây chỉ có con người mới có thể làm được. AI giúp tự động hóa các quy trình công việc, tăng cường hiệu suất và tạo ra các giải pháp thông minh cho các vấn đề phức tạp với khối lượng lớn.

Với khả năng xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ và phân tích thông tin một cách tự động, các hệ thống kiểm toán có sự kết hợp của Big Data và AI có thể phát hiện những bất thường và rủi ro tiềm ẩn một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn. AI cũng giúp tạo ra các mô hình dự đoán và phân tích rủi ro chi tiết hơn, cải thiện chất lượng quá trình kiểm toán và nâng cao hiệu suất làm việc của các kiểm toán viên. Sự kết hợp giữa Big Data và AI sẽ là chìa khóa giúp ngành kiểm toán tiến xa hơn.

Cần xây dựng chiến lược cho Big Data và AI

Rõ ràng, những lợi ích mang lại khi kết hợp giữa Big Data và AI trong kiểm toán là rất lớn. Điều này đòi hỏi KTNN phải xây dựng Chiến lược phát triển ứng dụng Big Data và AI một cách toàn diện, bài bản và khả thi, nhằm bắt kịp xu thế và nâng cao năng lực kiểm toán trong bối cảnh mới, Phó Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành VII nhìn nhận.

Theo ông Phan Trường Giang, việc xây dựng chiến lược nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực của hoạt động kiểm toán, thích ứng nhanh với các công nghệ mới, đặc biệt là Big Data và AI. Chiến lược cũng sẽ bảo đảm minh bạch, công khai và chính xác trong công tác kiểm toán; tăng cường năng lực chuyên môn và kỹ thuật của đội ngũ kiểm toán viên.

Về nội dung của chiến lược, gồm xây dựng hệ thống thu thập, kết nối, quản lý dữ liệu tập trung cho phép truy cập, chia sẻ và bảo mật dữ liệu một cách hiệu quả; sử dụng các giải pháp lưu trữ đám mây để bảo đảm an toàn, bảo mật và dễ dàng truy cập dữ liệu; sử dụng các công cụ và phần mềm phân tích phổ biến hiện nay như IDEA, ACL, SQL… để thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu từ các nguồn dữ liệu khác nhau, giúp phát hiện sớm các bất thường và rủi ro tiềm ẩn trong các báo cáo tài chính và hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Nhằm thực hiện chiến lược, KTNN cần rà soát, nghiên cứu, bổ sung quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán trong việc cung cấp dữ liệu điện tử. Theo thông lệ quốc tế, việc này được quy định rõ ràng nhằm bảo đảm tính minh bạch, kịp thời và chính xác trong quá trình kiểm toán.

KTNN cũng cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán, xây dựng cơ chế khuyến khích và hỗ trợ trong việc áp dụng công nghệ mới; tiếp tục rà soát, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm hệ thống máy chủ, mạng lưới và các thiết bị phần cứng cần thiết, đặc biệt là hạ tầng cho việc thu thập, lưu trữ, vận hành, khai thác Big Data và ứng dụng AI, xây dựng hệ thống bảo mật thông tin mạnh mẽ để bảo vệ dữ liệu kiểm toán.

Cùng với đó, KTNN cần có chính sách tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân sự trình độ cao về công nghệ thông tin và kiểm toán, xây dựng chính sách đãi ngộ và phát triển nghề nghiệp cho kiểm toán viên, đặc biệt ưu tiên các kiến thức và kinh nghiệm về ứng dụng Big Data và AI.

Phó Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành VII Phan Trường Giang lưu ý, khi ứng dụng Big Data và AI, một trong những thách thức lớn là thay đổi tư duy làm việc của kiểm toán viên và bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu của đơn vị được kiểm toán trong môi trường số. Do đó, việc lưu trữ và xử lý Big Data cần các biện pháp bảo mật chặt chẽ để tránh rủi ro mất thông tin và lộ dữ liệu; đồng thời, cần có các chính sách và quy định pháp lý rõ ràng để quản lý việc sử dụng Big Data và AI trong ngành kiểm toán.

Nguồn:https://daibieunhandan.vn/

Liên kết