Việt Nam tạo hành lang pháp lý đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân

Hoạt động cấp phép, kiểm soát nguồn sử dụng bức xạ được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành, giúp quản lý và thúc đẩy ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả.

Thông tin được nêu tại hội nghị Pháp quy hạt nhân toàn quốc lần thứ 6 do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội tổ chức ngày 30-31/7. Đây cũng là dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, hội nghị là dịp để đánh giá thực trạng quản lý nhà nước và đề xuất các giải pháp để Việt Nam hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh cho sự phát triển bền vững của hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, phát triển kinh tế xã hội.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Lễ kỷ niệm sáng 30/7. Ảnh: TTTT

Bộ trưởng phát biểu tại sự kiện sáng 30/7.

Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Nguyễn Tuấn Khải cho biết, những năm gần đây các kỹ thuật hạt nhân tiên tiến, thiết bị bức xạ công nghệ cao được ứng dụng trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp và tài nguyên môi trường, xuất nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa. Hoạt động quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân gồm hoạt động cấp phép, thanh tra, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn được chú trọng, bảo đảm an toàn, phát triển bền vững, hiệu quả.

Đến tháng 12/2023 Việt Nam có 2.025 cơ sở tiến hành công việc bức xạ (không bao gồm X-quang chẩn đoán y tế) đang hoạt động, trong đó lĩnh vực công nghiệp chiếm 63,5%, y tế khoảng 5,8%, nghiên cứu và đào tạo 4,3% và lĩnh vực khác 26,3%. Thống kê nguồn phóng xạ đang sử dụng là 4.229, trong đó 4% trong y tế, 12% trong nghiên cứu đào tạo.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho hay, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện cấp phép vận hành thiết bị chiếu xạ (gia tốc, thiết bị xạ trị sử dụng nguồn phóng xạ), sản xuất phóng xạ. "Số lượng hồ sơ cấp phép tăng trung bình khoảng 10-15% mỗi năm", ông nói.

Chia sẻ thực tế sử dụng nguồn bức xạ, bà Phan Thị Quý Trúc, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết địa phương hiện có 783 cơ sở y tế được cấp phép, trong đó có hơn 2.000 thiết bị X-quang chẩn đoán y tế (như máy X-quang tổng hợp, thiết bị đo loãng xương). Địa phương có 420 thiết bị bức xạ ứng dụng chủ yếu trong trong máy X-quang, thiết bị PET/CT và máy gia tốc. Nguồn bức xạ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, như thiết bị như máy xạ trị suất liều cao, thiết bị khử trùng máu trong y tế; thiết bị đo mực chất lỏng, mảng nhựa thép hay ứng dụng trong phân tích sắc ký khí dùng trong công nghiệp...

Lính phòng hóa diễn tập tẩy xạ vật thể nhiễm bẩn phóng xạ và khu vực xung quanh để bảo đảm an toàn nơi xảy ra sự cố tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Lính phòng hóa diễn tập tẩy xạ vật thể nhiễm bẩn phóng xạ và khu vực xung quanh để bảo đảm an toàn nơi xảy ra sự cố tại Đà Nẵng.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn bức xạ như kỹ thuật hoạt động hỗ trợ cơ quan quản lý về an toàn bức xạ, quản lý liều chiếu xạ trong y tế...

Trong ngày mai, các nhà quản lý, chuyên gia sẽ thảo luận về chủ đề "An ninh hạt nhân - Phóng xạ môi trường và Ứng phó sự cố".

Nguồn:https://vnexpress.net/viet-nam-tao-hanh-lang-phap-ly-dam-bao-an-toan-buc-xa-hat-nhan-4775850.html

Liên kết