Xây dựng cơ chế phối hợp khoa học, công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô

Đại diện các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng tại Hà Nội cho rằng, thành phố cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa chính quyền, doanh nghiệp, trường đại học và khu công nghệ cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng đổi mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.

 Hội thảo là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW.
Hội thảo là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW.

Sáng 15/4, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Đảng ủy Khối các Trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo Giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và đất nước.

Hội thảo là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW một cách hiệu quả, thực chất, gắn với thế mạnh và nhu cầu phát triển của từng đơn vị và của Thủ đô.

Trong phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các Trường đại học, cao đẳng Hà Nội nhấn mạnh: Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học, công nghệ của cả nước, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đi đầu trong việc thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW. Với mạng lưới hàng trăm trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, cùng đội ngũ trí thức, nhà khoa học đông đảo, hệ thống giáo dục đại học và cao đẳng trên địa bàn Thủ đô có vai trò đặc biệt quan trọng trong hiện thực hóa các khát vọng lớn lao của Nghị quyết, tạo động lực mới cho tăng trưởng GRDP, nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện.

Xây dựng cơ chế phối hợp khoa học, công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô ảnh 1

Quang cảnh hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn đề nghị hội thảo cần tập trung thảo luận làm rõ các vấn đề như: thể hiện vai trò tiên phong của cấp ủy tổ chức đảng trong các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai Nghị quyết; nhận diện cho được phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học là gì, bắt đầu từ đâu và làm như thế nào, làm sao huy động được mọi nguồn lực xã hội và khai phóng tiềm năng trí thức Việt Nam trong và ngoài nước.

Hội thảo cần chỉ rõ các điểm nghẽn, rào cản trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong mô hình kết nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, đại học...

Tại hội thảo, đại diện các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, với nền tảng tri thức, công nghệ và nhân lực hiện có, hệ thống giáo dục đại học tại Hà Nội có đủ điều kiện để khẳng định vai trò tiên phong trong quá trình hiện thực hoá Nghị quyết 57-NQ/TW. Đại diện các cơ sở giáo dục đại học đã đề xuất cơ chế, sáng kiến hợp tác giữa trường đại học với cơ quan quản lý nhằm thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và đất nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, phát triển khoa học, công nghệ không chỉ là nhiệm vụ chiến lược mà còn là điều kiện tiên quyết để Hà Nội đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững và hội nhập quốc tế. Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 10%, Hà Nội cần một cơ chế đặc biệt, một liên minh hành động và một động lực tri thức-công nghệ-con người mạnh mẽ.

Với vai trò là đại học kỹ thuật hàng đầu cả nước, Đại học Bách khoa Hà Nội cam kết sát cánh cùng thành phố để tạo ra những bước chuyển thực chất, bền vững và đột phá, góp phần thực hiện tầm nhìn đưa Hà Nội trở thành thành phố thông minh-xanh-hiện đại vào năm 2045.

Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất bốn cơ chế chiến lược, cụ thể là: Cơ chế đặt hàng chiến lược từ thành phố đến đại học đối với các chương trình nghiên cứu chiến lược trọng điểm của Thủ đô; thành lập Liên minh Đổi mới sáng tạo Đại học Hà Nội nhằm phát huy sức mạnh tập thể của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thủ đô; xây dựng cơ chế thử nghiệm công nghệ đô thị tại các Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội và Khu/Cụm Công nghiệp Hà Nội, thử nghiệm bản đồ số, cảm biến đô thị, AI điều phối giao thông, dịch vụ công tích hợp; thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo Hà Nội theo hình thức Nhà nước đầu tư-doanh nghiệp vận hành.

Đồng thời, Đại học Bách Khoa Hà Nội đề xuất 8 công nghệ chiến lược phục vụ tăng trưởng Thủ đô nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW: trí tuệ nhân tạo; dữ liệu lớn; internet vạn vật; công nghệ chuỗi khối; công nghệ sinh học và y sinh; công nghệ vật liệu mới và năng lượng sạch; công nghệ tự động hóa và robot; công nghệ an ninh mạng và bảo mật thông tin.

Qua đó, Đại học Bách Khoa Hà Nội đề xuất 6 chương trình nghiên cứu chiến lược phối hợp cùng Thành phố phục vụ tăng trưởng GRDP và phát triển bền vững của Thủ đô gồm: hệ sinh thái AI đô thị Hà Nội; phát triển công nghiệp công nghệ cao quy mô nhỏ; chợ công nghệ số và nền tảng thương mại hóa tri thức; xây dựng bản đồ số năng suất và tác động của hoạt động khoa học và công nghệ Hà Nội; hình thành Trung tâm mô phỏng-dự báo rủi ro đô thị; Chương trình nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tiến sĩ Lê Mai Lan, Trường đại học VinUni cũng khẳng định, trong tiến trình thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng cần đóng vai trò nòng cốt trong kết nối tri thức-công nghệ-thị trường, trở thành trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số địa phương.

Trước mắt, có thể bắt đầu từ một đề án thí điểm tại Hà Nội - nơi có đầy đủ các yếu tố thuận lợi: chính quyền năng động, mạng lưới các trường đại học hàng đầu, doanh nghiệp công nghệ mạnh mẽ và Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang chờ đợi một cơ chế vận hành hiệu quả.

Đề án thí điểm nên xác định rõ các mục tiêu ưu tiên, thí dụ như chuyển đổi xanh, công nghệ đô thị thông minh, logistics bền vững… lựa chọn một vài trường đại học và doanh nghiệp tiên phong cùng tham gia, xây dựng cơ chế tài chính-chính sách đặc thù và có bộ phận điều phối chuyên trách.

Về lâu dài, cần hướng đến việc thể chế hóa mô hình hợp tác này dưới hình thức một "Đề án phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thủ đô" , do chính quyền thành phố chủ trì, với sự tham gia thường xuyên của các bên liên quan.

Để tạo ra các sản phẩm, công nghệ mang thương hiệu của Hà Nội, đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất, trên cơ sở tham khảo sản phẩm quốc gia, thế mạnh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và nhu cầu thực tiễn của Hà Nội, thành phố Hà Nội và Học viện cần xác định lựa chọn một số sản phẩm công nghệ chiến lược cần thiết trong nông nghiệp để tập trung nghiên cứu, đầu tư nguồn lực con người, cơ sở vật chất, kinh phí…

Hội nghị đã nhận được các tham luận từ các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng khác trên địa bàn Thủ đô. Các tham luận tập trung đề xuất các nhóm nhiệm vụ và giải pháp mang tính chiến lược và đột phá. Ban Tổ chức hội nghị cho biết, các ý kiến sẽ được tập hợp, kiến nghị Trung ương, thành phố Hà Nội nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Nguon:https://nhandan.vn/xay-dung-co-che-phoi-hop-khoa-hoc-cong-nghe-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-thu-do-post872640.html

Liên kết