Chuyển đổi số (CĐS) đang là cuộc cách mạng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, là động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo đột phá phát triển. Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), CĐS đang tạo ra những thành tựu góp phần thực hiện mục tiêu chung về CĐS của tỉnh và của ngành KH&CN.
Sở KH&CN thực hiện CĐS theo các giai đoạn khác nhau, tập trung vào các nội dung, hoạt động như: Xây dựng phần mềm lưu trữ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 1997-2000; quản lý nhà khoa học, chuyên gia KH&CN; quản lý đề tài, dự án KH&CN mới; quản lý đề tài, dự án đang thực hiện; quản lý đề xuất đề tài nghiên cứu KH&CN; quản lý các hội đồng tư vấn; quản lý đề tài đã hoàn thành; thống kê, báo cáo; quản lý bài báo KH&CN; trang cá nhân hỗ trợ đăng ký, xét duyệt nhiệm vụ KH&CN trực tuyến.
Xác định, CĐS phải bắt đầu từ nhận thức, Sở KH&CN đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhằm thay đổi hình thức, thói quen làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Cùng với đó, Sở KH&CN quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ CĐS và xây dựng lộ trình, kế hoạch CĐS cho từng lĩnh vực, hoạt động. Nhờ vậy, đã tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện CĐS trong lĩnh vực KH&CN. Đến nay, 100% dịch vụ công do Sở KH&CN thực hiện đã đủ điều kiện cung cấp đạt mức độ 3, mức độ 4 và được cập nhật trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công Quốc gia. 100% văn bản đi – đến (trừ văn bản mật) được tiếp nhận, xử lý trên môi trường mạng, 100% văn bản ban hành được ký số…
Bên cạnh nhận thức, hạ tầng thì yếu tố quan trọng nhất chính là cơ sở dữ liệu (CSDL) và thực hiện kết nối, liên thông CSDL. Từ năm 2021, Sở KH&CN thực hiện nhiệm vụXây dựng hệ thống quản lý CSDL về KH&CN giai đoạn I. Mục tiêu của nhiệm vụ là: Chỉnh lý tài liệu lưu trữ; số hóa, tạo lập CSDL số cho các tài liệu, hồ sơ, văn bản; xây dựng phần mềm lưu trữ, quản lý, khai thác tài liệu điện tử. Sở KH&CN đã lựa chọn sử dụng Microsoft .NET (.NET Framework) làm nền tảng công nghệ xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về KH&CN. Nhiệm vụ ưu tiên thực hiện số hóa các đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị lưu trữ và giá trị khai thác cao. Sau gần 2 năm thực hiện, đến nay, Sở KH&CN đã thực hiện chỉnh lý 19 mét tài liệu lưu trữ; số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu cho 95.000 trang A4, tương đương 16.000 tài liệu, hồ sơ, văn bản. Việc số hóa CSDL về KH&CN đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng công việc. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ nền tảng thông tin, dữ liệu KH&CN của tỉnh sẽ được số hóa và kết nối dữ liệu với CSDL dùng chung của tỉnh. Điều này tạo thuận tiện cho việc quản lý, chia sẻ thông tin giữa các cấp, ngành và người dân, cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin hoạt động KH&CN nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, làm nền tảng thực hiện CĐS, xây dựng chính quyền số và nền kinh tế số của tỉnh.
Với vai trò dẫn dắt, KH&CN đã đồng hành cùng các ngành trong công cuộc CĐS. Nhiều đề tài, dự án KH&CN về CĐS trong các ngành, lĩnh vực khác nhau đã được triển khai đã làm thay đổi nhận thức và thúc đẩy hành động thực hiện CĐS. Từ đó góp phần hình thành và phát triển kinh tế số, xã hội số. Một số đề tài, dự án KH&CN về CĐS điển hình được triển khai thực hiện từ năm 2021 đến nay như: Nghiên cứu ứng dụng bác sỹ cây trồng (AI Green Doctor) quản lý việc chăm sóc cây nhãn theo hướng sản xuất nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; nghiên cứu, biên soạn lịch sử và số hóa di tích Cây đa và đền La Tiến phục vụ hoạt động quản lý di tích lịch sử cách mạng tỉnh Hưng Yên; xây dựng hệ thống thiết bị kiểm soát vi khí hậu để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản; nghiên cứu đánh giá hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên…
Thông tin KH&CN là nguồn lực đầu vào quan trọng phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đóng góp của hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KH&CN, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nguồn thông tin, dữ liệu về KH&CN của tỉnh còn phân tán, chưa đồng bộ, không thống nhất nên chưa phát huy được khả năng kết nối, liên thông và tích hợp CSDL. Do vậy, đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực KH&CN sẽ tạo điều kiện để phát huy hơn nữa vai trò dẫn dắt, đột phá của KH&CN. Đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh và các quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh về CĐS, Sở KH&CN thường xuyên ban hành các văn bản, xây dựng các kế hoạch thực hiện CĐS. Từ đó tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của sở. CĐS đã tạo ra một hệ thống thông tin hiện đại và thông minh. Toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân được cập nhật trên hệ thống giúp người quản lý và người sử dụng dịch vụ hành chính thuận lợi, tiết kiệm. Hiện nay, CSDL về KH&CN đang được số hóa và tích hợp vào CSDL dùng chung của tỉnh nhằm khai thác, sử dụng dữ liệu KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống xã hội.
Trường Long
PGĐ Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng KH&CN