Có thể hiểu, Công nghệ số (CNS) là tổng thể công nghệ số hóa dữ liệu và ứng dụng dữ liệu dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Công nghệ ở đây được hiểu là một hệ thống, trong đó có trang thiết bị kỹ thuật số, có các chương trình kỹ thuật số, có dữ liệu đầu vào ở dạng số, có con người, có phương thức tổ chức hoạt động… liên kết, tác động qua lại lẫn nhau và cho kết quả đầu ra những sản phẩm có hiệu suất lớn về giá trị sản xuất.
Về vị trí, có thể thấy CĐS là nội dung cơ bản trong trụ cột kỹ thuật số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. CĐS đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hiện nay, khái niệm CĐS đã trở nên phổ biến, lan tỏa trên toàn xã hội. Trong đó, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là những tổ chức tiên phong và xem CĐSlà xu thế bắt buộc, tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và thực hiện thành công chiến lược xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội thông minh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong công nghệ số, dữ liệu mở (DLM) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế số và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Ở Việt Nam hiện nay đã hình thành một số DLM như: Cổng DLM quốc gia, truy cập mở thông tin về khoa học và công nghệ (KH&CN), tài nguyên giáo dục mở… Tuy nhiên, việc cung cấp DLM còn rất nhiều rào cản, khó khăn, nhất là việc từ chối quản lý và giám sát dữ liệu, quy định về sự riêng tư không thể công khai thông tin. Chính vì vậy, cần có sự quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện đưa dữ liệu vào khai thác sử dụng, chia sẻ cho xã hội, đem lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý, hướng dẫn và chính sách khuyến khích thúc đẩy thực thi DLM.
DLM là các dữ liệu điện tử hoặc dữ liệu số. Bất kỳ dữ liệu nào được tạo ra, lưu trữ, thu thập, phát hành bởi Nhà nước, các cơ quan chuyên trách, chính quyền địa phương trong các hoạt động hành chính hoặc liên quan đến các quyết định đưa ra của mình đều có giá trị sử dụng không những cho cơ quan, tổ chức tạo lập ra nó mà còn có thể mở ra, chia sẻ cho các cơ quan đơn vị khác hoặc cộng đồng sử dụng. Dữ liệu có thể bao gồm những thông tin địa lý, môi trường, sức khoẻ cộng đồng, giáo dục, những thống kê định kỳ, thư mục, các danh sách, các số liệu về ngân sách đầu tư, chi tiêu... Chúng được lưu trữ dưới rất nhiều dạng khác nhau và được giữ trong các kho dữ liệu riêng biệt của mỗi cơ quan, tổ chức. Gần như không tồn tại các liên kết giữa những kho dữ liệu này.
Như vậy, DLM là dữ liệu có thể được bất kỳ ai tự do sử dụng, sử dụng lại, phân phối lại, chỉ yêu cầu phải ghi nhận nguồn và chia sẻ tương tự. Tính năng quan trọng của DLM là khả năng tiếp cận và sẵn sàng sử dụng như là các yêu cầu về dữ liệu mà máy có thể đọc được. Các tính năng chính của sự mở là: tính sẵn sàng và sự truy cập; tái sử dụng và phân phối lại; sự tham gia toàn cầu.
Về mặt kỹ thuật, công bố dữ liệu trên một cổng DLM tương đối giống với việc công bố các tài liệu trên một trang web. Tuy nhiên, về bản chất lại hoàn toàn khác nhau. Mục tiêu của việc công bố thông tin trên trang web của Chính phủ là nhằm thông báo thông tin trực tiếp cho người dân và các trang web này được thiết kế cho đối tượng sử dụng là người dân. Cổng DLM lại được thiết kế để lưu trữ các tập DLM với hai đặc điểm cốt lõi là: i) Định dạng: tập hợp DLM được xuất bản ở định dạng mở về kỹ thuật, tức là được sử dụng ở định dạng không độc quyền và có thể được dùng bởi các chương trình máy tính; ii) Giấy phép: tập DLM được đăng cùng giấy phép (điều khoản sử dụng), cho phép sử dụng lại thông tin cho mục đích thương mại và phi thương mại. Hai đặc điểm cốt lõi này tạo ra sự khác biệt với các văn bản thông thường đăng trên các trang web của Chính phủ, cơ quan nhà nước, địa phương hiện nay.
Lợi ích của DLM
- DLM cho phép Chính phủ điều hành, tạo ra sự sáng tạo trong kinh doanh, dịch vụ cung cấp giá trị xã hội và thương mại: là chìa khóa để nâng cao chất lượng dịch vụ và cuộc sống; đẩy nhanh tiến độ lan truyền các dịch vụ kỹ thuật số trên web và nền tảng di động; trao quyền và thu hút sự tham gia của người dân; là đầu vào cho nghiên cứu và giáo dục.
- Giúp Chính phủ cải thiện được tính minh bạch và công khai vì người dân luôn có được các thông tin cần thiết để có thể so sánh và đối chiếu; cho phép tiếp cận thông tin, dữ liệu chính là tạo ra điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý.
- Giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và công dân.
- Các dữ liệu được công khai sẽ được xử lý, phân tích bởi các trường đại học, nhà khoa học, công ty, nhà phát triển ứng dụng, nhà báo… để tạo ra các ứng dụng, dịch vụ mới có giá trị cao, ví dụ như các ứng dụng về du lịch, giao thông, tìm kiếm dịch vụ, từ đó tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và khoa học.
- Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân có thể sử dụng dữ liệu của Chính phủ, cải thiện kết quả nghiên cứu, cải tiến công việc.
Trên thực tế, DLM mang lại rất nhiều lợi ích, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và khoa học thông qua sự thuận tiện hơn khi tiếp cận các thông tin hợp nhất từ nhiều kho dữ liệu khác nhau trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục đến các thông tin liên quan đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Việc hệ thống hóa, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu công và bán công sẽ giúp nâng cao hiệu quả của việc xây dựng chính sách và quản lý hành chính công, cũng như sự hợp tác giữa các tổ chức nhà nước. Thêm vào đó, việc công bố các dữ liệu công theo lộ trình nhất định sẽ làm tăng niềm tin của người dân vào bộ máy hành chính, qua đó nâng cao việc huy động nguồn lực xã hội vào các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội.
DLM được xem như “tài sản” của nền kinh tế thể hiện qua các trường hợp ứng dụng dữ liệu mạnh mẽ thời gian gần đây như Uber, Grab hay một số loại hình dịch vụ đặt phòng khách sạn toàn cầu. Đây là những mô hình kinh doanh mới, khá hiệu quả nhờ khai thác nguồn DLM. Cung cấp cơ sở DLM đang là xu hướng tại các nước phát triển và là một trong các chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển chính phủ điện tử của Liên hợp quốc đối với các nước.
Trong nền kinh tế cạnh tranh công bằng, cộng đồng khởi nghiệp rất cần những cơ sở dữ liệu thông tin mở, chính xác liên quan đến nhiều lĩnh vực sẵn có để đưa ra quyết định kinh doanh cho riêng mình mà không mất công tìm kiếm những thông tin cơ bản ban đầu. Hiện nay, ở Việt Nam vẫn còn thiếu cơ sở dữ liệu hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp nên nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn loay hoay tìm kiếm dữ liệu, thông tin liên quan đến lĩnh vực mình kinh doanh.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hướng đến mục tiêu phát triển các “thành phố thông minh” thì nhu cầu giới thiệu hoạt động và khai thác DLM của tổ chức hành chính, người dân và doanh nghiệp càng trở nên bức thiết nhằm phát triển chính quyền điện tử, phát triển kinh tế, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp. Lâu nay, các cơ sở dữ liệu hiện hữu vẫn còn nằm rải rác ở các quận/huyện, sở/ngành, chưa được tập trung. Do vậy, việc tích hợp các nguồn dữ liệu về một đầu mối, làm cơ sở dữ liệu dùng chung hoàn chỉnh là rất quan trọng để các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, người dân tham khảo một cách thống nhất.
Thực trạng DLM tại Việt Nam
Ở Việt Nam, Chính phủ điện tử cũng đã được giới thiệu và đưa vào chương trình phát triển trọng điểm từ năm 2001. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của số hoá và mạng hoá thông tin trong Chính phủ cũng như ở cấp độ địa phương. Đó là một chương trình dài hơi, cần có sự đầu tư tập trung và giải pháp hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Việt Nam cũng có một số thuận lợi nhất định khi người dân đang dần có ý thức và thói quen về việc sử dụng công nghệ nói chung và Internet nói riêng để cập nhật, nắm bắt thông tin và theo dõi các hoạt động của Nhà nước. Hiện tại, ở Việt Nam có thể kể đến một số cơ sở DLM như: thông tin về KH&CN, giáo dục và cổng DLM quốc gia.
Về truy cập mở thông tin KH&CN: ngày 17/5/2017, Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN) đã khai trương Điểm truy cập mở thông tin KH&CN với mục đích tăng cường tính minh bạch của thông tin KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, đưa kết quả nghiên cứu tới công chúng và nâng cao vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Điểm truy cập mở thông tin KH&CN quốc gia lưu trữ 380.000 đầu sách khoa học và hơn 17.000 đầu sách chuyên khảo, bao gồm nhiều loại hình từ bách khoa toàn thư, cẩm nang, sổ tay tra cứu, đến các từ điển chuyên ngành, tạp chí tóm tắt. Ngoài ra còn có 7.700 tạp chí thuộc các lĩnh vực KH&CN, chủ yếu là tạp chí quốc tế có hệ số ảnh hưởng cao và 23.000 báo cáo kết quả nghiên cứu cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh. Điểm truy cập mở này còn cung cấp tài liệu điện tử. Mọi người có thể truy cập toàn văn 220.000 bài báo khoa học của Việt Nam, đọc nội dung chính của 22.000 nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước và toàn văn 40 triệu tài liệu công bố quốc tế từ các cơ sở dữ liệu KH&CN nổi tiếng thế giới như ScienceDirect, Sringer Nature, ISI-Web of Knowledge hay Scopus…
Tài nguyên giáo dục mở: trang Thư viện học liệu mở của Việt Nam (http://voer.edu.vn) được thực hiện bởi Chương trình giáo dục mở Việt Nam (VOER), hỗ trợ bởi Quỹ Việt Nam (the Vietnam Foundation), với mục tiêu xây dựng kho tài nguyên giáo dục mở cho người Việt sử dụng và truy cập miễn phí nguồn tài liệu hữu ích phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu, cũng như phục vụ cho toàn xã hội. Tính đến nay, trang VOER có khoảng 22.341 tài liệu, gần 600 tuyển tập gồm các tài liệu học tập, bài giảng, danh mục tài liệu tham khảo, bài tập về nhà, bài thi, bài thí nghiệm, các tuyển tập, tạp chí… được biên soạn từ 10.903 tác giả. Nguồn tài nguyên học liệu mở gồm các tài liệu tiếng Anh và tiếng Việt của nhiều lĩnh vực.
Cổng DLM quốc gia: đây là cổng dữ liệu do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dự. Hiện cổng dữ liệu này cập nhật đến thời điểm hiện tại là 10.425 bộ dữ liệu, được chia ra thành các lĩnh vực: xã hội: 9.986 bộ dữ liệu, công nghệ: 117, lao động: 108, giáo dục: 97, môi trường: 48, y tế: 17, địa phương: 14, tài chính: 11, năng lượng: 9, cơ sở hạ tầng: 8, kinh tế - thương mại: 8, nông nghiệp: 2. Chia theo cơ quan cung cấp dữ liệu cho Cổng DLM quốc gia thì Đại học Quốc gia Hà Nội có số lượng tài liệu lớn nhất (10.045 bộ dữ liệu), số tài liệu do các bộ/ngành cung cấp còn rất hạn chế.
Có thể khẳng định, mặc dù việc cung cấp DLM Chính phủ đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức và mang lại lợi thế cạnh tranh cho quốc gia, tuy nhiên việc xây dựng và cung cấp DLM ở Việt Nam còn bị hạn chế bởi những trở ngại, rào cản chính như: từ chối việc quản lý và giám sát dữ liệu, quy định về sự riêng tư không thể công khai thông tin; sự sợ hãi và lo lắng khi công khai tài liệu kém chất lượng; thiếu sự chuẩn hóa và chính sách DLM; thiếu năng lực công khai dữ liệu hoặc tổn thất về doanh thu hay tính bảo mật.
Tại Hưng Yên, Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ngày 16/6/2021, Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
UBND tỉnh đã cụ thể hóa trong Quyết định số 571/QĐ-UBND ngày 25/02/2022 phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nêu một số nhiệm vụ cụ thể chuyển đổi số liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh:
1. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp trên môi trường mạng, đảm bảo an ninh và an toàn dữ liệu.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin nông nghiệp từ các nguồn dữ liệu: trồng trọt, chăn nuôi), kết hợp dữ liệu khí tượng - thủy văn, tình hình dịch bệnh và dữ liệu bản đồ
- Sử dụng phần mềm trong công tác quảng bá, giới thiệu, quản lý, buôn bán sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Hưng Yên
- Triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS hỗ trợ quản lý, giám sát và cảnh báo dịch bệnh
- Đưa vào sử dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy trình theo hướng hữu cơ, GAP... thông qua các phần mềm hỗ trợ trồng trọt, nông lịch, hệ thống tưới tự động
- Tiếp tục quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo phương thức nuôi thâm canh, bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao.
- Sử dụng phần mềm trong công tác quảng bá, giới thiệu, quản lý, buôn bán sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Hưng Yên.
- Triển khai các ứng dụng, cảm biến cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, nguồn nước để người dân chủ động các giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất, nuôi trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.
- Phát triển các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc... cho nông nghiệp, nông thôn và người nông dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm
2. Sở Công Thương: Xây dựng và đẩy mạnh môi trường Thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích đổi mới mô hình kinh doanh trong nền kinh tế.
3. Các sở, ban, ngành tỉnh thực hiện hỗ trợ theo chức năng nhiệm vụ thúc đẩy sử dụng giải pháp số cho các doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ
- Cung cấp, hỗ trợ các giải pháp truyền thông, quảng bá và PR cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
- Triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế
- Đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nội dung nghiên cứu, phát triển công nghệ nền tảng và công nghệ ứng dụng. Khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp kiến tạo và sử dụng giải pháp số
- Tham mưu, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc chuyển đổi số, ví dụ ưu đãi thuế đưa sản phẩm lên nền tảng TMĐT của tỉnh, cơ chế hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi,…
Như vậy có thể thấy, chuyển đổi số nói chung cũng như chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị trong đó sẽ gắn nhiệm vụ cụ thể trách nhiệm của từng ngành theo từng khâu trong nội dung chuyển đổi số.
Trong phạm vi, trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ:
Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành một số văn bản: Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 Ban hành Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản như: Quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ tỉnh Hưng Yên đến năm 2030; Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 16/9/2021 của UBND tỉnh Hưng Yên hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiến tiến trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
Bên cạnh đó Sở đã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ làm tiền đề phục vụ cho chuyển đổi số ngành nông nghiệp như:
(1) Xây dựng hệ thống thiết bị kiểm soát vi khí hậu để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản
- Chế tạo hệ thống thiết bị kiểm soát vi khí hậu thích nghi với các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ.
- Đánh giá hiệu quả sản lượng nông nghiệp và chất lượng nông sản trước và sau lắp thiết bị kiểm soát vi khí hậu.
(2) Nghiên cứu, xây dựng quy trình tưới nước hợp lý kết hợp với bón phân cho cây cam tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên
Xây dựng mô hình và lắp đặt các thiết bị tưới tự động được điều khiển qua smartphone hoặc qua website; lắp đặt 01 hệ thống thiết bị quan trắc tự động độ ẩm, khí tượng với quy mô 0,6 ha
(3) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS và phân tích thứ bậc (AHP) đánh giá tiềm năng phát triển nuôi cá nước ngọt tại tỉnh Hưng Yên
(4) Nghiên cứu ứng dụng bác sỹ cây trồng (AI GreenDoctor) quản lý việc chăm sóc cây nhãn theo hướng sản xuất nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Trong thời gian tới ngành khoa học và công nghệ, sẽ tập trung:
- Tham mưu trình HĐND tỉnh ban hànhNghị quyết quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
- Nghiên cứu đề xuất các chính sách thử nghiệm, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số theo Quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ tỉnh Hưng Yên đến năm 2030;
- Tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh theo Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 16/9/2021 của UBND tỉnh Hưng Yên hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025;
- Phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, doanh nghiệp để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, sáng kiến ứng dụng trí tuệ nhân tạo thông qua các hoạt động cụ thể như: Đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nội dung nghiên cứu, phát triển công nghệ nền tảng và công nghệ ứng dụng.
Người viết: Nguyễn Thị Minh Nguyệt
Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở KHCN