Ngày 07/12/2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 184/KH-UBND về việc CCHC nhà nước tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu từ năm 2021, hàng năm kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số sẵng sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT INDEX) nằm trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước, điểm chỉ số năm sau cao hơn năm trước. Nâng dần vị trí xếp hạng PCI của tỉnh mỗi năm tăng từ 2 đến 5 bậc. Theo đó, kế hoạch đã đề ra 6 “Trụ cột” của cải cách hành chính (CCHC) nhà nước: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hình chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

Đối với công tác CCHC thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở Khoa học và Công nghệ, được xác định là cơ sở để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn đã đề ra, đồng thời là một tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên, công chức, viên chức hàng năm, bình xét hình thức thi đua khen thưởng phù hợp. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính là một trong những trụ cột quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính của Sở. Do đó, thời gian vừa qua, Đảng ủy, lãnh đạo Sở đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt các bộ phận chuyên môn triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo theo quy định.

Với mục tiêu 100% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được giải quyết đúng và trước hạn, trong đó tăng dần tỷ lệ giải quyết trước hạn; mức độ hài lòng của người dân, tổ chức trong giải quyết TTHC đạt trên 90 %, trong thời gian vừa qua, Sở đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu trên:Công khai kịp thời, đầy đủ, cụ thể các quy định về TTHC để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện và giám sát việc giải quyết TTHC; Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến cải cách TTHC, kiểm soát TTHC;Rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC gắn với tái cấu trúc quy trình, phân cấp, phân quyền trong giải quyết TTHC;Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các TTHC đủ điều kiện trên Cổng Dịch vụ công; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động kiểm soát TTHC, tăng cường việc kiểm tra, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về TTHC...Với việc thực hiện có hiệu quả những giải pháp nêu trên, công tác cải cách TTHC nói riêng và CCHC của Sở KH&CN nói chung đã đạt được kết quả đáng ghi nhận:  Chỉ số CCHC của Sở nằm trong top 10 các sở ngành và tăng bậc theo từng năm; 100% hồ sơ giải quyết TTHC của Sở được thực hiện bằng hình thức trực tuyến; 100% hồ sơ TTHC được giải quyết đúng và trước hạn; Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính của Sở đứng thứ nhất trong khối các Sở, ban, ngành với tổng 99.40 điểm và không có kiến nghị, phản ánh của  người dân, tổ chức liên quan đến công tác giải quyết TTHC nói riêng và công tác CCHC nói chung.

Phát huy những kết quả đã đạt được, với phương châm “tạo bước đột phá trong giải quyết TTHC nhằm nâng cao hiệu quả công tác CCHC” trong thời gian tới Sở tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm của các đồng chí trong cấp ủy, trách nhiệm người đứng đầu các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Chương trình Cải các hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh và Sở đã ban hành. Trong đó, cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm từng năm và huy động, bố trí nguồn lực phù hợp để triển khai thực hiện.

Thứ hai, tăng cường công tác chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc niêm yết, công khai đầy đủ, đúng quy định các TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện. Xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố TTHC mới, kịp thời cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia và trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đảm bảo đầy đủ, đúng quy định. Thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung, xây dựng quy trình nội bộ điện tử giải quyết đối với từng TTHC. Kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý 100% các phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức... Từ đó, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

- Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo các đồng chí Đảng viên, công chức, viên chức thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở. Tập trung thực hiện đảm bảo quy định về thời gian xử lý tương ứng với từng bước trong quy trình nội bộ đã ban hành. Rà soát, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC, trong đó, giảm thời gian, chi phí thực hiện TTHC;

- Thứ tư, chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở tham mưu, đề xuất các điều kiện cần thiết về nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, sử dụng chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để thực hiện số hóa hồ sơ, cập nhật kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống một cửa của tỉnh;

- Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho người dân, tổ chức. Phối hợp với Bưu điện tỉnh khai thác, sử dụng có hiệu quả dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, tăng cường kiểm tra công tác niêm yết thủ tục hành chính; chuẩn hóa các mẫu, biểu; nhanh chóng cập nhật, điều chỉnh các sai sót (nếu có). Khuyến khích sáng kiến về hình thức công khai, niêm yết, ứng dụng công nghệ trong công khai, niêm yết thủ tục hành chính hướng tới tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và sử dụng của cá nhân, tổ chức.

Xuân Thu

Phó Chánh Văn phòng Sở

Liên kết