Ngày 15/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU (Nghị quyết số 06) về Chương trình chuyển đổi số (CĐS)tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh ta thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dẫn đầu về CĐS.

Để đạt các mục tiêu về chuyển đổi số, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Cụ thể, ngày 25/2/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 571/QĐ-UBND phê duyệt đề án CĐS tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và ban hành các kế hoạch để tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 06. UBND tỉnh phân công rõ nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương phải tham mưu xây dựng cơ chế để thúc đẩy CĐS. Đến nay, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành một số cơ chế thúc đẩy CĐS như: Quyết định 672/QĐ-UBND ngày 03/3/2021 của UBND tỉnh phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hưng Yên phiên bản 2.0, Quyết định số 3047/QĐ-UBND ngày 29/12/2022 của UBND tỉnh về ban hành Bộ chỉ số đánh giá CĐS tỉnh Hưng Yên,Nghị quyết số 331/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh quy định mức thu một số loại lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến… Ngoài ra, UBND tỉnh còn phê duyệt trên 20 kế hoạch CĐS trên các lĩnh vực trong từng giai đoạn cụ thể.

Tỉnh ưu tiên bố trí, phân bổ nguồn lực triển khai, xây dựng các nền tảng số dùng chung của tỉnh. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ từ trung ương, ký kết hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp như: VNPT, Viettel, FPT cung cấp nền tảng số, giải pháp số, công nghệ số. Tỉnh chú trọng hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về CĐS; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng vềCĐS trên nhiều lĩnh vực; ban hành các cơ chếhỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia CĐS; thúc đẩy mua bán, giao dịch trên môi trường số, thương mại điện tử, logistics…

Sau 2 năm thực hiện Chương trình, Đề án vềCĐS, công tác xây dựng thể chế về CĐS số trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện kịp thời, tương đối đầy đủ. Các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về CĐS được triển khai đồng bộ với nhiều hình thức đa dạng; ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã làm thay đổi diện mạo nền hành chính, thay đổi tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.Kinh tế số cũng ngày càng có những đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế; công nghệ số ngày càng phổ biến, rõ nét và giữ vị trí quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội làm thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc và học tập. Nhiều chỉ tiêu về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong chương trình, đề án chuyển đổi số của tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu đề ra.

Kết quả đánh giá chỉ số CĐS (DTI) cấp tỉnh năm 2022, tỉnh ta tăng 2 bậc so với năm 2021 và xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố. Kết quả CĐS thể hiện rõ quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy CĐS, tạo ra những thay đổi đột phá trong hoạt động của chính quyền, đồng thời là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, khẳng định hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ, kết nối Internet băng thông rộng, đường truyền dữ liệu chuyên dùng; mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh được triển khai tại 100% cơ quan, đơn vị ở cả 3 cấp hành chính với 200 điểm kết nối. Toàn tỉnh hiện nay có trên 10 nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn với trên 180 nghìn sản phẩm và gần 11 triệu giao dịch/năm.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh công khai 1.827 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã; cung cấp 560 dịch vụ công đủ điều kiện trực tuyến một phần, 1.052 dịch vụ công đủ điều kiện trực tuyến toàn trình. Tỉnh đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu.

CĐS đã mang lại sự thay đổi lớn trên cả 3 trụ cột chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Mục tiêu đến năm 2025: 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 2 đô thị là thành phố Hưng Yên và thị xã Mỹ Hào đạt các tiêu chí cơ bản về đô thị thông minh; kinh tế số chiếm 20% GRDP; tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; phấn đấu có 500 doanh nghiệp số; tỷ lệ dân số có kỹ năng số cơ bản đạt tối thiểu 70%...Đồng chí Bùi Văn Sỹ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Những kết quả đã đạt được sau 2 năm thực hiện chương trình, đề án CĐS sẽ là tiền đề, động lực để tỉnh quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện CĐS trên tất cả các lĩnh vực. Để công cuộc CĐS của tỉnh đạt kết quả như mong đợi, cần sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân, trong đó đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hùi Huế

Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng KH&CN

Liên kết