Trong bối cảnh hội nhập và phát triển ngày nay, đặc biệt là cuộccách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ trên nhiều phương diện của đời sống - xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo… Trong đào tạo nghề, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đào thải nhiều ngành nghề và cũng sinh ra những nhiều công việc mới đòi hỏi phải có nguồn nhân lực với trình độ cao, do đó yếu tố cốt lõi của việc xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệpđó là đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn, đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu của thực tiễn mà điển hình là nhu cầu của doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng và quyết định đến sự phát triển ổn định của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ý tưởng liên kết, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp được đề xướng bởi nhà triết học Đức Willhelm Humboldt. Theo ông, cơ sở giáo dục ngoài chức năng đào tạo phải có chức năng nghiên cứu và hợp tác với các doanh nghiệp. Hợp tác Nhà trường - doanh nghiệp được hiểu như sự tương tác, giao dịch giữa cơ sở giáo dục với các doanh nghiệp để mang lại lợi ích cho các bên, bao gồm: hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, trao đổi nhân sự (học giả, sinh viên và chuyên gia), thương mại hóa kết quả, xây dựng và phổ biến chương trình đào tạo, học tập suốt đời, phát triển doanh nghiệp và quản trị.

Chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay

Thời gian qua, chất lượng đào tạo nhiều cơ sở GDNN trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Phần lớn doanh nghiệp sau khi tuyển dụng đều phải đào tạo lại. Sự không “ăn khớp” giữa kiến thức lý thuyết trong nhà trường và thực tế công việc là nguyên nhân cơ bản khiến doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng tạo dựng mối quan hệ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, quan niệm “giỏi” của chúng ta thực ra mới dừng ở mức học giỏi, thi giỏi, chứ chưa phải là làm giỏi. Tinh thần thực học, thực nghiệp vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc trong nhà trường, nên việc đào tạo còn xa rời (hay chưa theo kịp) yêu cầu của thực tiễn. Vậy nên để tránh sự lạc hậu về tri thức khoa học và công nghệ, phương châm của các cơ sở giáo dục trong giai đoạn hiện nay cần phải thay đổi theo hướng “Đào tạo cho thị trường những gì thị trường sẽ cần”.

Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ra vẫn đầu tư theo kiểu chụp giật, ít chú trọng đến phát triển bền vững, không có nhu cầu cho đầu tư nghiên cứu và sáng tạo. Các tổng công ty lớn hay các doanh nghiệp nhà nước thì vẫn được nhà nước bao cấp, ưu ái; cơ sở giáo dục công lập thì thường đào tạo theo chương trình đã lên khung cứng nhắc mà ít có sự thay đổi. Như vậy, mối quan hệ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp ở nước ta nhìn chung còn hời hợt vì trong ngắn hạn, cả hai chủ thể chưa thực sự có nhu cầu bức thiết.

Tăng cường sự liên kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp

Thực tế cho thấy liên kết giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đối với các doanh nghiệp, việc hợp tác giúp doanh nghiệp có thể tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều học viên, có điều kiện để theo dõi, đánh giá tác phong làm việc cũng như kiến thức và năng lực của học viên một cách chính xác nhất. Qua đó, doanh nghiệp có hướng tuyển dụng, lựa chọn nhân sự phù hợp và góp phần quảng bá hình ảnh của mình. Ngoài ra, việc liên kết với nhà trường còn giúp doanh nghiệp tiếp cận được với những kết quả nghiên cứu mới nhất, cập nhật nhất và có thể ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình. Đối với nhà trường, việc hợp tác với doanh nghiệp giúp mang lại lợi ích quan trọng đầu tiên là nguồn tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và công việc cho học viên. Từ mối liên kết này, các cơ sở giáo dục sẽ có thêm điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, cho ra lò những “sản phẩm” đã được “trải nghiệm” thực tiễn; còn các kết quả nghiên cứu khoa học sẽ có địa chỉ áp dụng rõ ràng nhằm đẩy mạnh ứng dụng vào thực tiễn tạo nên hiệu quả nghiên cứu và hiệu quả triển khai - nghiên cứu. Đây là một yếu tố không thể thiếu trong công tác nghiên cứu và triển khai nghiên cứu hiện nay.

Đề xuất giải pháp tăng cường nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với thực tiễn nhu cầu của doanh nghiệp

Như trên đã chỉ ra, để đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội không thể chỉ trông cậy vào nỗ lực của các cơ sở GDNN mà rất cần sự vào cuộc tham gia của các doanh nghiệp, thậm chí có thể coi là một mắt xích quan trọng và sự liên kết này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Bên cạnh đó việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp lên tầm cao hơn, giúp cả hai bên phát triển bền vững. Để thu được kết quả như mong muốn, các chủ thể cần thực hiện các giải pháp sau:

Tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp:

Thứ nhất, tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên giảng dạy đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao về trình độ và chất lượng chuyên môn lẫn kỹ năng giảng dạy; đáp ứng được yêu cầu vừa tăng được quy mô, vừa nâng cao được chất lượng hiệu quả đào tạo, coi phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên là một trong những giải pháp trọng tâm quyết định đến sự phát triển và nâng cao chất lượng dạy nghề.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và chuyển giao kết quả nghiên cứu. Khi nguồn nhân lực trí tuệ đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của cơ sở GDNN thì việc triển khai và kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp về nghiên cứu khoa học là một xu thế, một biện pháp tích cực của nền giáo dục năng động, sáng tạo.

Thứ ba,hằng năm cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp bằng cách ký kết hợp đồng “đặt hàng” cho giảng viên tham gia giảng dạy tại các doanh nghiệp trong các chuyên đề nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, cập nhật kiến thức, huấn luyện đào tạo kinh doanh… cho nhân viên của doanh nghiệp.

Thứ tư, hàng năm các cơ sở GDNN cần tổ chức cuộc thi, cuộc vận độngngười học tham gia với ý tưởng khởi nghiệp. Qua đó thương mại hóa các ý tưởng, phát minh sáng chế công nghệ của học viên cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao uy tín của cơ sở GDNN,học viên và sự gắn kết ngày càng chặt chẽ với doanh nghiệp.

Thứ nămhoạt động biên soạn, sửa đổi chương trình đào đạo, chương trình môn học cần thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp vì chỉ có doanh nghiệp mới hiểu rõ mình cần những kiến thức, kỹ năng gì ở nhân viên mình để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Cho nên, các cơ sở GDNN cần quan tâm vấn đề này trong hoạt động biên soạn, sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo, chương trình môn học thì không thể thiếu bộ phận doanh nghiệp tham gia vào hoạt động chiến lược mục tiêu này.

Đối với các doanh nghiệp

Một, tạo điều kiện cho người lao động được tham gia bồi dưỡng và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực tại doanh nghiệp; có chính sách liên kết đào tạo thích hợp nhằm tạo môi trường thực tập cho học viên khi còn học ở nhà trường.

Hai là, tạo mọi điều kiện để nhà trường kết nối, hợp tác nhằm giúp người học tiếp cận với các môi trường làm việc thực tế. Việc hợp tác, liên kết với các cơ sở GDNN là cách hữu hiệu để tuyển dụng được nguồn lao động tốt đáp ứng yêu cầu sử dụng và cũng là thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm cho học viên sau khi ra trường.

Ba là, tham gia vào quá trình biên soạn, sửa đổi chương trình đào tạo, chương trình môn học tại các cơ sở GDNN. Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN có thể nắm bắt sát hơn những yêu cầu và nhu cầu tìm việc trên thị trường để có các giải pháp tích cực nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao chất lượng nguồn lao động, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Bốn là, tăng cường tài trợ cho các hoạt động của học viên nhằm quảng bá thương hiệu, nâng cao, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và xã hội. Từ đó có thể thu hút được nhân tài đến với doanh nghiệp mình và nhận được lòng trung thành của nhân viên hơn.

Để nâng cao hiệu quả mối liên kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp, thiết nghĩ các cơ sở GDNN cần thiết lập bộ phận chuyên trách liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác NCKH và chuyển giao khoa học công nghệ, cần gắn kết đào tạo, NCKH với nhu cầu của doanh nghiệp.Do đó, trong thời gian tới đòi hỏi các cơ sở GDNN, doanh nghiệp phải thực sự đồng hành với nhau, không ai đặt cao hơn ai, tiến tới xây dựng mối quan hệ bền vững để cùng nhau phát triển.

                             Bùi Thị Yến

                                          Trường Cao đẳng KTKT Tô Hiệu Hưng Yên

Liên kết