(Thanh tra) - Ngày 17/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Cụm thi đua số IV - Thanh tra 7 tỉnh Biên giới miền núi phía Bắc đã tổ chức hội nghị trao đổi, học tập kinh nghiệm về nghiệp vụ công tác kê khai tài sản thu nhập, kiểm soát tài sản thu nhập.
Toàn cảnh hội nghị
Dự hội nghị có ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục I, Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo Thanh tra 7 tỉnh, gồm: Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu.
Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai Nguyễn Thành Sinh (đơn vị Cụm trưởng), Chánh Thanh tra tỉnh Sơn La Nguyễn Minh Hoà (đơn vị Cụm phó) và Chánh Thanh tra tỉnh Điện Biên Phan Văn Thống điều hành hội nghị.
Việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) ngày càng đồng bộ, đúng quy định
Báo cáo kết quả thực hiện công tác kê khai, kiểm soát TSTN của Cụm thi đua số IV do Thanh tra tỉnh Điện Biên trình bày cho thấy, thời gian qua, các cơ quan trong Cụm thi đua số IV đã chủ động tham mưu, triển khai thực hiện quyết liệt, thực chất, hiệu quả công tác kê khai và kiểm soát việc kê khai TSTN.
Việc kê khai TSTN được thực hiện ngày càng đồng bộ, đúng quy định, dần đi vào nền nếp.
Thanh tra các tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản tổ chức triển khai thực hiện, với đầy đủ các nội dung theo yêu cầu. Đồng thời, chủ động tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến, hướng dẫn thực hiện giúp nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc kê khai, công khai, kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
|
Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục I, Thanh tra Chính phủ tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của thanh tra các tỉnh |
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tổ chức triển khai, ban hành kế hoạch, quyết định phê duyệt danh sách người có nghĩa vụ kê khai TSTN và thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai và giao nộp bản kê khai theo quy định.
Về công tác xác minh TSTN, căn cứ quy định tại Luật PCTN năm 2018, Nghị định 130/2020/NĐ-CP, Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị về quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN. Thanh tra các tỉnh đã xác định đối tượng thuộc thẩm quyền kiểm soát để tổ chức tiếp nhận, quản lý, lưu trữ bản kê khai TSTN và các thông tin về kiểm soát TSTN. Tiến hành theo dõi biến động về TSTN của người có nghĩa vụ kê khai; thực hiện cung cấp bản kê khai, thông tin, dữ liệu về kiểm soát TSTN khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định.
Hằng năm, căn cứ vào định hướng của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các tỉnh đã chủ động tham mưu, xây dựng trình Chủ trình UBND tỉnh phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh TSTN.
Trên cơ sở nội dung kế hoạch xác minh TSTN được UBND tỉnh phê duyệt, thanh tra các tỉnh trong Cụm tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh TSTN, có sự tham dự của đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Sau khi lựa chọn được đối tượng xác minh, đã ban hành quyết định xác minh; tiến hành xác minh TSTN đảm bảo trình tự, thủ tục, thẩm quyền và thời hạn theo quy định.
Qua xác minh đã đánh giá được tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai; tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của TSTN tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai…
|
Ông Phan Văn Thống, Chánh Thanh tra tỉnh Điện Biên (đứng bên phải) phát biểu khai mạc hội nghị |
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh một số thuận lợi cũng như ưu điểm trong công tác kiểm soát TSTN tại các tỉnh, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện kê khai; chấp hành các quy định về kê khai chưa nghiêm túc; người có nghĩa vụ kê khai chưa nghiên cứu kỹ các quy định, tài liệu hướng dẫn, dẫn đến kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thông tin theo quy định. Một bộ phận cán bộ, công chức xem nhẹ việc kê khai, thực hiện kê khai mang tính hình thức hoặc thực hiện không đúng quy định.
Việc giám sát, kiểm soát các nội dung trong bản kê khai của người được giao nhiệm vụ tiếp nhận vẫn chưa thực sự hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các giao dịch về tài sản, kiểm soát thu nhập còn hạn chế.
Công tác kiểm soát TSTN còn một số khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Một số cơ quan, đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, phương thức phải kê khai. Việc xác định đối tượng kê khai hàng năm còn chưa thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị; xác định đối tượng kê khai theo phương thức kê khai bổ sung tính chính xác, đầy đủ không cao. Còn nhầm lẫn giữa phương thức kê khai phục vụ công tác cán bộ theo quy định tại Điều 36 Luật PCTN năm 2018 với kê khai thực hiện các nội dung khác của công tác cán bộ, công chức, viên chức như quy hoạch, đào tạo...
Thực hiện kê khai TSTN theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ còn nhiều băn khoăn về những quy định thiếu cụ thể, chưa rõ ràng, phát sinh trong thực tế như: Luật PCTN chưa quy định cụ thể tài sản hiện có thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người có nghĩa vụ kê khai; nếu xác định quyền sử dụng tài sản theo quy định tại Điều 189, 190, 191 Luật Dân sự, trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai, sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu thì tài sản do thuê, mượn, được cho phép sử dụng phải thực hiện kê khai, và việc phải kê khai các loại tài sản trên sẽ làm cho tài sản người kê khai thường xuyên biến động, khó khăn trong việc kê khai thông tin tài sản đảm bảo theo yêu cầu. Việc xác định tài sản phải kê khai theo giá trị mỗi tài sản hay căn cứ vào giá trị mỗi loại tài sản.
Quá trình kiểm soát TSTN còn nhiều bất cập trong thực tiễn như: Khó xác định, phân định thẩm quyền kiểm soát giữa Thanh tra tỉnh và UBKT cấp huyện. Nhiệm vụ theo dõi biến động về TSTN của cơ quan kiểm soát TSTN theo quy định tại Điều 40 Luật PCTN năm 2018 khó có thể thực hiện đầy đủ, do số lượng đối tượng thuộc thẩm quyền kiểm soát lớn, việc áp dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, lực lượng công chức thực hiện kiểm soát TSTN không đáp ứng được yêu cầu của khối lượng công việc...
|
Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai Nguyễn Thành Sinh phát biểu tham luận tại hội nghị |
Việc xác minh TSTN theo pháp luật PCTN chưa có quy trình cụ thể, hướng dẫn chi tiết, dẫn đến khó khăn cho các cơ quan kiểm soát TSTN trong việc thực hiện đúng và đảm bảo nội dung theo yêu cầu. Tài sản được xác minh có phạm vi rộng với nhiều loại tài sản và ở nhiều địa phương trong cả nước, thậm chí là ở nước ngoài.
Nhiều thông tin về tài sản khó xác minh như nguồn gốc hình thành tài sản đối với tài sản được tặng, cho, thừa kế; tài sản liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước; phải trưng cầu ý kiến thẩm định, giám định của các cơ quan có thẩm quyền.
Cơ chế phối hợp giữa cơ quan kiểm soát TSTN và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong cung cấp thông tin liên quan đến nội dung xác minh về TSTN chưa chặt chẽ, chưa có quy định rõ ràng, chưa có chế tài xử lý để nâng cao ý thức, trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin đã cung cấp. Việc xác định thế nào là không trung thực còn mang tính định tính, trong khi quy định của pháp luật về việc xử lý đối với hành vi kê khai không trung thực lại rất nghiêm minh nên đã phát sinh rất nhiều lúng túng trong thực tiễn.
Mong sớm hoàn thiện chính sách
Trong thời gian tới, các tỉnh trong Cụm tăng cường quán triệt, phổ biến các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác kê khai, kiểm soát TSTN. Tăng cường lãnh đạo, đồng thời kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện; xử lý nghiêm việc chậm kê khai, không kê khai, không nộp bản kê khai, kê khai không trung thực…
Các cơ quan thanh tra trong Cụm tiếp tục cập nhật những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, thường xuyên trao đổi để cùng tìm ra giải pháp, lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo, những kinh nghiệm quý.
Đề xuất với Thanh tra Chính phủ rà soát, kịp thời tham mưu với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về kê khai, kiểm soát TSTN; ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục, phương pháp tiến hành xác minh TSTN, để bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện.
|
Đại diện của Thanh tra tỉnh Lạng Sơn nêu những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc của địa phương |
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đại diện Thanh tra các tỉnh như Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai… đã nêu những thuận lợi cũng như những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện công tác này tại địa phương mình.
Hầu hết các ý kiến cho rằng tại địa phương mình vẫn còn vướng mắc trong việc xác định người có nghĩa vụ phải kê khai, đối tượng phải kê khai hàng năm, xác định đối tượng kê khai theo hình thức kê khai bổ sung, phương thức và thời điểm kê khai, xác định TSTN phải kê khai, việc kê khai nhà ở, đất ở, kê khai tiền; việc xác minh TSTN về quy trình, phạm vi, cánh thức còn bất cập, chưa thống nhất giữa các cơ quan kiểm soát TSTN, lúng túng trong việc xử lý…
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục I chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, đồng thời tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các tỉnh để sớm trình Thanh tra Chính phủ trong thời gian tới.
Trần Kiên - Hồng Ánh
Nguồn: https://thanhtra.com.vn/phong-chong-tham-nhung/tin-tuc/trao-doi-hoc-tap-kinh-nghiem-ve-cong-tac-ke-khai-kiem-soat-tai-san-thu-nhap-224680.html