Công nghệ vũ trụ là lĩnh vực công nghệ cao đặc biệt. Nó là sự tích hợp của nhiều ngành khoa học-công nghệ khác nhau nhằm khám phá, chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ phục vụ thiết thực lợi ích của con người. Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ là nhu cầu cấp thiết nhằm chủ động về nguồn, bảo đảm tính an toàn, tin cậy, của dữ liệu vệ tinh; góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm lợi ích quốc gia khác; phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc; liên kết hài hòa với các Chiến lược quốc gia khác.
Năm 2021, tại Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 04/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chiến lược xác định mục tiêu cơ bản là: ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học và công nghệ vũ trụ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, giám sát và hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cung cấp đa dạng dịch vụ cho người dân; nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước, góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội và đảm bảo các lợi ích quốc gia khác.
Theo đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 11/8/2021 về Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Đối với lĩnh vực phát thanh – truyền hình, việc ứng dụng công nghệ vũ trụ trong truyền dẫn phát sóng đã được thực hiện từ năm 1962 ở châu Âu. Tại Việt Nam, phát sóng truyền hình qua vệ tinh được thực hiện năm 1991 bởi Đài truyền hình Việt Nam, thông qua vệ tinh Stationar-13 thuê của nước ngoài.
Dự án quốc gia về vệ tinh của Việt Nam được khởi xướng từ năm 1995. Trước thời điểm năm 2008, vì chưa có vệ tinh riêng nên Việt Nam phải đi thuê kênh vệ tinh và cáp quang biển của nước ngoài để đảm bảo thông tin, liên lạc, các dịch vụ trong nước và đi quốc tế. Do giá thuê kênh thông tin vệ tinh nước ngoài không rẻ, nên cước viễn thông, dịch vụ truyền dẫn ở trong nước ở thời điểm đó rất cao so với thu nhập bình quân của người dân, đặc biệt là cước đi quốc tế. Năm 2008, khi đưa vệ tinh Vinasat-1 vào sử dụng, bên cạnh việc phủ sóng viễn thông, liên lạc tới vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo trong nước và cả khu vực Đông Nam Á, vệ tinh này còn cung cấp các dịch vụ bao gồm: Phát hình quảng bá, Kênh truyền hình tận nhà (DTH), Kênh truyền hình có độ phân giải cao, Dịch vụ truy cập internet; điện thoại cho vùng sâu, vùng xa. Trong đó, lĩnh vực truyền hình được hưởng lợi rất lớn, chẳng hạn trước đây để làm một chương trình truyền hình trực tiếp, nhà đài phải sử dụng công nghệ viba hoặc cáp quang, nhiều điểm cầu không thuận lợi phải “nối” viba trung chuyển đến vị trí có cáp quang “đầu cuối” để truyền về trung tâm. Điều này rất vất vả vì phải mang nhiều thiết bị, vừa thiếu an toàn và chi phí cao. Khi có vệ tinh viễn thông, chuyện làm truyền hình trực tiếp nhiều sự kiện ở bất kỳ đâu trong tầm hoạt động của Vinasat-1 (vốn phủ sóng toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải, các quần đảo của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á, một phần phía đông châu Úc) trở nên dễ dàng.
Sau thành công của Vinasat-1, Việt Nam đã triển khai dự án đầu tư và phóng thành công vệ tinh Vinasat-2 vào quỹ đạo năm 2012. Việc phóng thành công Vinasat-2 vào thời điểm đó đã đưa Việt Nam là một trong 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới phóng thành công và sở hữu vệ tinh địa tĩnh; khẳng định chủ quyền không gian vệ tinh của Việt Nam; chiếm lĩnh các quỹ đạo địa tĩnh quan trọng, thiết yếu. Thông qua vệ tinh địa tĩnh, Việt Nam kiểm soát chặt chẽ được chủ quyền không gian của đất nước và có khả năng quét một số vùng không gian của một số khu vực trên thế giới; góp phần vào việc cung cấp dịch vụ của Việt Nam cho các nước thông qua dịch vụ vệ tinh.
Tại Hưng Yên, việc ứng dụng công nghệ truyền hình qua vệ tinh của Đài phát thanh và truyền hình tỉnh được thực hiện từ năm 2013. Được cung cấp dịch vụ bởi công ty VTC Digital, phát trên vệ tinh Vinasat-1. Thông qua truyền hình vệ tinh sóng truyền hình Hưng Yên sẽ đến được với hàng triệu hộ gia đình có đầu thu vệ tinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo trong nước và cả khu vực Đông Nam Á, góp phần quảng bá hình ảnh con người và mảnh đất Hưng Yên, giới thiệu tiềm năng về du lịch, kêu gọi đầu tư và tăng cường công tác thông tin đối ngoại, phục vụ công tác an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai của địa phương. Hiện nay, với nhu cầu thưởng thức các chương trình truyền hình với âm thanh, hình ảnh chất lượng cao (HD). Song song với truyền tải trên các hạ tầng số và các hạ tầng truyền thống khác, thực hiện Kế hoạch số 128/KH-UBND, Đài phát thanh và truyền hình sẽ tiếp tục nâng cấp chất lượng truyền tải chương trình trên vệ tinh Vinasat-1 lên cấp chất lượng HD, điều này giúp nâng tầm vị thế của tỉnh Hưng Yên nói chung và Đài phát thanh và truyền hình Hưng Yên nói riêng trên cả nước và khu vực.
KS. Đinh Đức Khoa
Phó Giám đốc Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Hưng Yên