Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới.
*Trí tuệ nhân tạo hay còn được gọi là trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence -AI) là ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science). Đó là trí tuệ do con người lập trình và tạo nên với mục tiêu giúp cho máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh giống như con người. AI khác biệt với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình. Đó là việc ứng dụng các hệ thống học máy (machine learning) giúp mô phỏng trí tuệ của con người trong các xử lý mà ở đó con người làm tốt hơn máy tính. Cụ thể hơn, AI giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như là biết suy nghĩ, lập luận để giải quyết các vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, ngoài ra còn biết học và tự thích nghi,…
Nông nghiệp 4.0 đã bắt đầu thực hiện tại Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp có quy mô lớn. Nông nghiệp 4.0 khai thác mạng lưới chuỗi khối (blockchain). Blockchain có thể cung cấp khả năng hiển thị “truy xuất quá trình sản xuất” của thực phẩm. Điều này làm tăng sự tin tưởng của người tiêu dùng trong sản phẩm Việt Nam và cải thiện các thành phần giá trị gia tăng của thực phẩm-chẳng hạn như giá trị dinh dưỡng, nguồn địa lý và các thuộc tính “hữu cơ”.
Ngành nông nghiệp Hưng Yên đã được cơ cấu lại, thay đổi mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hoá giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân đạt 2,87%/năm; trong đó, lĩnh vực trồng trọt tăng 3,014 %/năm, chăn nuôi tăng 2,92%/năm, thủy sản tăng 6,26%/năm; năm 2020: Giá trị thu được trên 01 ha đạt hơn 210 triệu đồng, tăng 60 triệu đồng/ha so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, tăng 21 triệu đồng so với năm 2015; cơ cấu kinh tế nông nghiệp: Cây lương thực 15,5% - rau quả, cây công nghiệp 26,5% - chăn nuôi, thủy sản 58%
Cây Nhãn đang được trồng tập trung tại thành phố Hưng Yên và các huyện: Khoái Châu, thành phố Hưng Yên, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Giang, Văn Lâm, Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ, trong đó, Khoái Châu và thành phố Hưng Yên chiếm khoảng 50% diện tích nhãn của toàn tỉnh. Nhãn hiện đang là một trong các cây trồng chủ lực của tỉnh Hưng Yên.
Nhãn là cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao tại Hưng Yên, tuy nhiên sản xuất nhãn tại các vùng trồng chính đang còn một số tồn tại chủ yếu:
- Cơ cấu các giống nhãn trồng trong sản xuất chưa phong phú, hầu hết các giống nhãn đang được trồng chủ yếu là các giống nhãn chín chính vụ, do vậy thời gian cho thu hoạch nhãn ngắn, gây áp lực cho việc tiêu thụ sản phẩm.
- Ở các vùng trồng nhãn tập trung, tỷ lệ số hộ nông dân nắm vững kiến thức, có khả năng tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác rất thấp. Hiện tượng ra quả không ổn định, nhiều cây không ra hoa xảy ra ở nhiều địa phương.
- Thu hoạch và sau thu hoạch tỷ lệ tổn thất lớn, chưa có các biện pháp kỹ thuật tác động.
- Sản xuất nông nghiệp đang đối mặt với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, lượng phù sa ngày càng suy giảm, đất đai suy kiệt do những vòng quay sản xuất không ngơi nghỉ, dịch bệnh thường xuyên hơn. Sự ra tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, các đợt lạnh tăng cường, các đợt nóng kéo dài, xác lập nhiều kỷ lục mới về nhiệt độ cao, sự hiện diện của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt hơn.
- Việc tiếp cận, ứng dụng với các nền tảng công nghệ ứng dụng trong việc quản lý, theo dõi, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại theo hướng tạo sản phẩm an toàn, bền vững chưa được phổ biến ở hầu hết các địa phương. Ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, không chỉ riêng với Hưng Yên mà hầu như các địa phương vấn đề gặp phải đó là: Hệ thống cơ chế, chính sách, quy định của Nhà nước chưa đồng bộ; Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp còn sơ khai; sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, lẻ, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng; kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số còn hạn hẹp.
Lấy ý tưởng từ nhu cầu được giao lưu - kết nối giữa người nông dân, nhà vườn và các chuyên gia nông nghiệp ngày càng cao nhằm trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức - kỹ năng chuyên môn, tư vấn giải pháp xử lý sâu, bệnh hại cây trồng… nhưng gặp phải sự bất cập, khó khăn trong đi lại và tốn kém các chi phí liên quan thì cần một giải pháp công nghệ khắc phục được những trở ngại. Ứng dụng Bác sỹ cây trồng - AI GreenDoctor (sử dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo - AI; Kết nối thời gian thực - WebRTC) đã ra đời.
AI GreenDoctor sử dụng công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Công nghệ Trí tuệ nhân tạo - Artificial Inteligence - AI; công nghệ Kết nối thời gian thực WebRTC) góp phần lan tỏa nhanh, tiết kiệm chi phí và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 mà con người đang phải đối mặt … khi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật chăm sóc, sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm, năng suất và chất lượng phù hợp theo yêu cầu của xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đồng thời bảo đảm sự bền vững, thích nghi với Biến đổi khí hậu. Ứng dụng này sẽ giúp nông dân xác định và quản lý sâu bệnh đe dọa cây trồng, sinh kế và an ninh lương thực của địa phương, khu vực và quốc gia. Qua ứng dụng này, các kiến thức chuyên môn, kỹ thuật cập nhật của các cơ quan nghiên cứu và quản lý trong nước và nước ngoài (CABI) về quản lý dịch hại và dịch bệnh cũng sẽ được chuyển tải nhanh đến cộng đồng nông nghiệp tại các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Ứng dụng Bác sỹ cây trồng – AI Doctor tới chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và bà con nông dân tại 1 số địa phương và đã có mặt trên CH Play, App Store. Để phát triển và phát huy tác dụng của Ứng dụng này, cần có sự đầu tư lâu dài và bài bản cùng sự chung tay góp sức/ nguồn lực đến từ nhiều tổ chức/ cá nhân, đặc biệt là sự vào cuộc sớm từ cấp chính quyền địa phương.
Xuất phát từ những tác động lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh đặt hàng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN Quốc tế (VISTIP) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng bác sỹ cây trồng (AI GreenDoctor) quản lý việc chăm sóc cây nhãn theo hướng sản xuất nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên” bắt đầu từ năm 2022 với các mục tiêu:
- Ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nhãn phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.
- Thử nghiệm và hoàn thiện quy trình hướng dẫn sử dụng Ứng dụng bác sỹ cây trồng (AI GreenDoctor) quản lý việc chăm sóc cây nhãn theo hướng sản xuất nông nghiệp thông minh (theo hướng VietGAP) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
- Tập huấn, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân sử dụng thành thạo Ứng dụng (AI GreenDoctor) quản lý việc chăm sóc cây nhãn.
Việc nghiên cứu ứng dụng bác sỹ cây trồng (AI GreenDoctor) quản lý việc chăm sóc cây nhãn theo hướng sản xuất nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên” đáp ứng được tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hưng Yên, đề cao ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kì 2021-2025.
Ths Giang Đức Quỳnh
Chuyên viên Phòng Quản lý Khoa học