‘Tần số là tài nguyên càng dùng càng không cạn kiệt, còn làm cho đất nước phát triển’

Ngày 23/4, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Quốc gia tổ chức hội thảo chuyên môn tháng 4 với chủ đề: Chia sẻ hoạt động quản lý nhà nước và dịch vụ trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

Tham dự hội thảo chuyên môn có ông Trần Hậu Ngọc – Phó Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia, ông Nguyễn Thiện Nghĩa – Phó Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Ủy ban và Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ KH&CN) tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ông Trần Hậu Ngọc – Phó Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia chia sẻ tại hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Thái Hòa – Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng từng nói “Đa số các tài nguyên càng dùng, càng khai thác thì càng cạn kiệt. Tần số là tài nguyên càng dùng thì càng không cạn kiệt, còn sinh ra tiền, còn làm cho đất nước phát triển, càng dùng, càng khai thác thì càng to ra”. Có thể thấy, hiện nay sóng vô tuyến điện được ứng dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế – xã hội (viễn thông, phát thanh truyền hình, hàng không, hàng hải, khoa học công nghệ, y tế…) và an ninh quốc phòng.

Cục Tần số vô tuyến điện là cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện với sứ mệnh bảo đảm quản lý hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ lợi ích quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh; Đảm bảo tần số cho vô tuyến băng rộng và kết nối Internet vạn vật (IoT) để xây dựng hạ tầng số, phát triển kinh tế số.

Theo ông Hòa, liên quan đến quản lý chất lượng trong hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, hiện Luật tần số vô tuyến điện quy định về quản lý chất lượng phát xạ vô tuyến điện (tại Điều 13) trong đó gắn liền với thiết bị phải phù hợp quy hoạch tần số; Quản lý an toàn bức xạ vô tuyến điện đối với đài, thiết bị vô tuyến điện và thiết bị ứng dụng vô tuyến điện (Điều 14) gắn liền với chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy; Quản lý tương thích điện từ đối với thiết bị điện, điện tử có bức xạ vô tuyến điện (Điều 15) gắn liền với kiểm định an toàn bức xạ.

Có thể thấy, mối quan hệ rất chặt chẽ giữa quản lý tần số vô tuyến điện với quản lý chất lượng thể hiện thông qua: hoạt động nghiên cứu phát triển, thử nghiệm để chuyển sang sản xuất nhập khẩu cần có sự quy hoạch; từ khâu sản xuất, nhập khẩu để lưu thông trên thị trường cần có hoạt động đo kiểm, chứng nhận; từ lưu thông sang trước khi đưa vào sử dụng cần có sự kiểm định về an toàn bức xạ; khi đưa vào sử dụng cần kiểm tra, kiểm soát tần số và xử lý nhiễu có hại.

Ông Lê Thái Hòa – Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện.

Ông Hòa cũng cho biết, một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn hiện nay, tỷ lệ thiết bị Wifi, Mic không dây, bộ đàm không đạt QCVN tại phòng đo kiểm là khá nhiều, trong đó, giảm từ 2% năm 2020 xuống 0,8% năm 2024, nguyên nhân không đạt là do sai tần số, công suất phát, phát xạ giả, phát xạ ngoài băng, tương thích điện từ (EMC). Bên cạnh đó, hiện nay các sản phẩm thiết bị hoạt động sai băng tần không rõ nguồn gốc xuất xứ, xách tay lưu thông không hợp quy, công bố hợp quy rất nhiều. Cùng với đó, các bảng LED quảng cáo đang gây nhiễu vô tuyến điện, tính đến nay có 850 thiết bị gây nhiễu, trong đó có đến 86 thiết bị điện, điện tử dẫn đến gây nhiễu cho các hệ thống hoạt động trong dải tần HF, VHF đặc biệt Mạng điện báo hệ đặc biệt phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, phát thanh FM. Cũng chưa có QCVN nào về EMC đối với bảng LED.

Trước những thách thức, khó khăn, ông Hòa cũng đưa ra một số vấn đề quản lý trong thời gian tới, trong đó, nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết bị vô tuyến điện công nghệ mới, quy chuẩn về SAR, tiêu chuẩn EMC cho ô tô, tiêu chuẩn EMC cho bộ cấp nguồn, tiêu chuẩn phương pháp đo độ cách ly RF; Tiếp theo là tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa: Thiết bị tích hợp tính năng thu sóng vô tuyến điện thuộc quản lý của Bộ/ngành khác; Thiết bị điện – điện tử có nguy cơ can nhiều cao; Tăng cường truyền thông chính sách về phơi nhiễm điện từ (Electro Magnetic Fields) tác động đến người dân; Cung cấp dịch vụ về chứng nhận hợp quy, dịch vụ thử nghiệm thành thạo, so sánh liên phòng.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng trao đổi, chia sẻ để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Hậu Ngọc – Phó Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia mong muốn trong thời gian tới sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong Bộ Khoa học và Công nghệ, đặc biệt là Ủy ban TCĐLCL Quốc gia và Cục Tần số vô tuyến điện.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Nguồn: https://tcvn.gov.vn

Liên kết